Đây có thể xem là những dòng khách mới nổi phản ánh xu hướng “du lịch nội vùng” của khách quốc tế đang thịnh hành.
Số liệu thống kê của Outbox Consulting (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu ngành du lịch) cho thấy, khu vực Đông Nam Á có 4 thị trường lọt vào nhóm 15 thị trường khách quốc tế hàng đầu Việt Nam giai đoạn 2016 – 2023 gồm: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philipines.
Cạnh đó, sau 8 năm, các thị trường Đài Loan, Úc, đặc biệt là Ấn Độ đều “thăng hạng” trên bảng xếp hạng này. Như vậy, cộng thêm 3 thị trường khách chủ lực ở khu vực Đông Bắc Á là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản thì có đến 10/15 thị trường khách quốc tế hàng đầu của nước ta nằm ở khu vực châu Á hoặc lân cận.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho hay, đang có làn sóng tăng trưởng mạnh mẽ của du khách ở khu vực Đông Nam Á, nhất là đi du lịch ở các quốc gia gần. Xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh và sẽ còn duy trì ít nhất đến năm 2030.
Ngoài một số thị trường đã phát triển tốt ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng từ nhiều năm trước như Thái Lan hay Malaysia thì các đơn vị lữ hành cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường Philippines, sắp đến là Indonesia.
Theo Sở VH-TT&DL, trong nửa đầu năm 2024, Quảng Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Đài Loan (xếp thứ 2), Úc (xếp thứ 4) cũng như một số thị trường gần khác.
Tần suất các chuyến bay giữa Đà Nẵng với những thị trường gần tăng lên hay việc mở thêm các chặng mới, nhất là trong khu vực Đông Nam Á đã giúp du lịch Quảng Nam thu hút thêm các thị trường khách quốc tế lân cận.
Ngành du lịch Quảng Nam – Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế cũng đã xác định một số thị trường gần trọng điểm đang có xu hướng tăng trưởng mạnh để phối hợp xúc tiến, quảng bá chương trình du lịch chung “Miền di sản diệu kỳ” của 3 địa phương tại Đài Loan (tháng 6/2024) hay mới nhất là tại Úc (tháng 9/2024).
Ông Đặng Mạnh Phước – Giám đốc điều hành Công ty Outbox Consulting thông tin, thay đổi cực kỳ quan trọng của hầu hết thị trường du lịch trên thế giới từ sau dịch COVID-19 là họ trở nên chuộng chuyến đi với khoảng cách gần.
“Đơn cử, dữ liệu của chúng tôi cho thấy có đến 74% khách châu Á lựa chọn một quốc gia trong khu vực châu Á cho chuyến du lịch của mình. Điều này dẫn đến các thị trường khách quốc tế trọng điểm của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều tập trung ở châu Á, chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Người làm du lịch ở khu vực miền Trung cần nương theo xu hướng này để xác định cho địa phương, điểm đến, đơn vị mình thị trường tiềm năng mục tiêu tiềm năng mới để thích ứng với sự thay đổi cấu trúc thị trường khách”, ông Phước nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thich-ung-xu-huong-du-lich-noi-vung-3141936.html