Sự kiện thu hút đông đảo người dân, du khách góp mặt tại sân vận động Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang).
Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Giang, sự kiện này không chỉ để tôn vinh và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh Nam Giang đến với đông đảo du khách.
Màn trình diễn cồng chiêng được thực hiện bởi những nghệ nhân tài hoa, thuộc nhiều thế hệ của các dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Ve, Tà Riềng…
Tiếng cồng chiêng vang vọng, trầm hùng như tái hiện những câu chuyện huyền bí, những bản trường ca của núi rừng. Nhịp điệu cồng chiêng khi thì mạnh mẽ, hùng tráng, khi thì nhẹ nhàng, sâu lắng, mang đậm nét văn hóa tâm linh và phong tục tập quán của đồng bào nơi đây. Mỗi tiếng cồng, mỗi tiếng chiêng không chỉ là âm thanh mà còn là lời nói, là tâm tình của người vùng cao, thể hiện niềm tự hào về di sản văn hóa truyền thống.
Bên cạnh màn trình diễn cồng chiêng, nghi thức truyền thống cũng là một điểm nhấn đặc sắc của sự kiện. Những nghi thức như lễ cúng đất lập làng, lễ mừng lúa mới, lễ cưới truyền thống đều được tái hiện một cách sống động và chân thực. Các nghệ nhân, già làng với trang phục truyền thống sặc sỡ, cùng những đạo cụ được chế tác tỉ mỉ từ tre, nứa, gỗ… đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm thực sự độc đáo và ấn tượng.
Những điệu múa, bài hát dân gian, lời cầu nguyện đều chứa đựng triết lý sống, niềm tin và ước mơ của người dân vùng cao, thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên và lòng biết ơn đối với tổ tiên.
Bhling Thị Diều (một bạn trẻ trong đoàn diễn viên của xã Zuôih) chia sẻ, tham gia liên hoan “Âm vang cồng chiêng” lần này, đoàn xã Zuôih đã dày công tập luyện suốt thời gian qua để có thể trình diễn điệu múa cồng chiêng và nghi thức cúng đất lập làng của đồng bào Cơ Tu bản địa.
“Hầu hết diễn viên của đơn vị xã Zuôih là các bạn trẻ, được những nghệ nhân, già làng chỉ dạy, hướng dẫn để có thể tái hiện đúng nhất, chính xác nhất nhất điệu tâng tung – da dá và nghi thức cúng. Sự kiện lần này không chỉ dừng lại ở việc trình diễn mà còn mở ra không gian giao lưu, học hỏi giữa các dân tộc, giữa những nghệ nhân và khán giả. Những câu chuyện về cuộc sống, văn hóa, những kinh nghiệm quý báu trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa được chia sẻ, lan tỏa, tạo nên một không khí ấm cúng, thân thiện và đầy ý nghĩa” – Bhling Thị Diều tâm sự.
Qua màn trình diễn cồng chiêng và nghi thức truyền thống, UBND huyện Nam Giang mong muốn chuyển tải, quảng bá được nét đẹp văn hóa đặc trưng của các tộc người; đồng thời gửi gắm thông điệp về sự đoàn kết, hòa hợp giữa các dân tộc. Đây là minh chứng sống động cho sự phong phú và đa dạng của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, là niềm tự hào của mỗi người dân Nam Giang.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thi-tai-trinh-dien-cong-chieng-3137047.html