Kế hoạch nhằm xem xét, đánh giá khách quan thực trạng thi hành pháp luật trong lĩnh vực PCTN, TC để kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, bất cập và đề xuất các giải pháp cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật PCTN, TC.
Nội dung trọng tâm là theo dõi thi hành các quy định pháp luật về phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Luật PCTN năm 2018 và các nghị định hướng dẫn thi hành, gồm các nội dung sau: Việc công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Việc xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị sự nghiệp công lập; các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh báo cáo bằng văn bản tình hình thi hành pháp luật về phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền được quy định trong Luật PCTN năm 2018 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Tự rà soát, tổ chức kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật về phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh nghiêm túc thực hiện kế hoạch và chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh đến toàn thể các phòng, ban, đơn vị, địa phương trực thuộc; đồng thời xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện trước ngày 01/4/2024.