Giữ lửa đam mê…
Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Huy gây ấn tượng với những tác phẩm điêu khắc đoạt giải cao ở các sân chơi mỹ thuật trong và ngoài tỉnh. Sau những trải nghiệm bước đầu, Nguyễn Văn Huy mạnh dạn chọn mảng chân dung người nổi tiếng, với các nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ tên tuổi Việt Nam để thể hiện.
Tượng chân dung là một thể loại ít được các nhà điêu khắc quan tâm. Để sáng tác thể loại này, đòi hỏi tác giả phải có những ấn tượng sâu sắc với nhân vật và phải biểu đạt được chân dung ấy sống động theo cách riêng của mình. Chưa kể, nó chỉ phát triển khi có được nhiều nguồn đặt hàng.
Nguyễn Văn Huy không ngần ngại khi nói ra điều này, rằng, làm nghề phải sống được bằng nghề mới có thể tồn tại. Tuy nhiên, quyết định thiên về điêu khắc chân dung với Huy không phải để thử nghiệm mà chính là để bộc bạch tâm hồn, tình cảm của mình với những con người đã có đóng góp lớn trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật.
Để thực hiện được ý tưởng đó, Huy đã và đang tích cực hoàn thiện series tượng chân dung các nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi trong Nam ngoài Bắc như: Phạm Duy, Sơn Nam, Trầm Tử Thiêng, Từ Công Phụng, Phạm Tuyên, Thanh Tùng, Bùi Giáng… Anh nói, mình đang cố gắng để tổ chức triển lãm điêu khắc cá nhân tại Tam Kỳ với chủ đề chính là tượng chân dung.
Lan tỏa giá trị nghề đúc đồng Phước Kiều…
Nguyễn Văn Huy đã có nhiều năm gắn bó với làng nghề đúc đồng Phước Kiều từ những dự án kết hợp giữa nghệ nhân và nhà điêu khắc. Từ những trải nghiệm ban đầu ấy, Nguyễn Văn Huy luôn trăn trở để tìm hướng mở cho sản phẩm đồng Phước Kiều.
Sự thành công với tượng chân dung toàn thân anh hùng Nguyễn Văn Trỗi từ chất liệu đồng Phước Kiều đã thôi thúc Nguyễn Văn Huy thực hiện dự án cơ sở Phước Kiều Huy Anh – chuyên nghiên cứu sản phẩm mới phù hợp thị hiếu và nhu cầu của khách, nhất là du khách trong và ngoài nước khi đến thăm Quảng Nam.
Đó cũng là lý do để dòng sản phẩm lưu niệm từ chất liệu đồng Phước Kiều ra đời. Nguyễn Văn Huy nói: “Ban đầu tôi chỉ nghĩ làm những sản phẩm đồng Phước Kiều thuần túy có trọng lượng nhỏ, gọn nhẹ để phục vụ du khách làm quà lưu niệm khi đến với Quảng Nam. Có thể là những vật dụng quen thuộc, danh lam thắng cảnh hay những loài vật quanh ta…
Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, một ý tưởng khác lại nảy sinh, đó là làm sao để lan tỏa được giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người xứ Quảng từ chất liệu đồng Phước Kiều”.
Vậy là dòng sản phẩm lưu niệm mang ý tưởng văn hóa, lịch sử của vùng đất và con người Quảng Nam ra đời. Đó có thể là sản phẩm về nhóm tháp trong quần thể khu đền tháp Mỹ Sơn, vũ nữ Apsara huyền bí, chùa Cầu Hội An, tượng chân dung Mẹ Thứ, các biểu trưng văn hóa xứ Quảng như di sản Hội An, Mỹ Sơn, tôn vinh chữ Quốc ngữ…
Mỗi sản phẩm từ chất liệu đồng Phước Kiều có kích cỡ, trọng lượng và kiểu dáng khác nhau nhưng phần lớn gọn nhẹ, đẹp mắt trong phối màu, hình thể, tạo được dấu ấn riêng trong mắt người thưởng lãm.
Để tìm đầu ra cho dòng sản phẩm này, Nguyễn Văn Huy đã làm việc để kết nối với các đơn vị như Ban quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, Hội An, các cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm ở các địa phương trong tỉnh, nhất là ở Duy Xuyên và Hội An, Điện Bàn.
“Có lẽ sản phẩm của mình có khả năng bù vào chỗ trống trong những món hàng lưu niệm cho du khách khi đến Mỹ Sơn, Hội An… nên đã nhận được sự đồng thuận cao. Đây là động lực để tôi tiếp tục đi sâu hơn với dòng sản phẩm này” – Nguyễn Văn Huy chia sẻ thêm.
Dự án đồng Phước Kiều Huy Anh có lẽ đang góp phần tạo hướng mở cho làng nghề mấy trăm năm tuổi. Những nỗ lực như vậy cần được phát huy để không ngừng tôn vinh, giữ gìn giá trị của các làng nghề truyền thống xứ Quảng. Chỉ có khoác lên mình một chiếc áo mới với hình hài, kiểu dáng, sắc màu đặc trưng thì những giá trị truyền thống mới có thể trường tồn trong đời sống…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/them-huong-mo-cho-dong-phuoc-kieu-3137880.html