Xác định địa chỉ thu ngân sách
HĐND tỉnh quyết định 20.800 tỷ đồng là số thuế nội địa phải thu năm 2025. Cục Thuế Quảng Nam tính toán số thu này dựa vào khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương, địa phương và FDI sẽ khoảng 1.875 tỷ đồng (bằng 85,4% dự toán, 90,3% ước thực hiện năm 2024). Dự toán thu các khu vực này thấp hơn nhiều so với dự toán và số thực thu năm 2024.
Theo lý giải của Cục Thuế, số thu chiếm tỷ trọng lớn thuộc về các nhà máy thủy điện. Tuy nhiên, thiếu năng lực mới, công suất phát điện, sản lượng điện thương phẩm phụ thuộc vào thời tiết, sự điều tiết của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và giá bán điện cạnh tranh không thể lường định được.
So với số thực thu năm 2024, dự toán chỉ áp cho các doanh nghiệp thủy điện bằng 91,5% (430 tỷ đồng) và các doanh nghiệp còn lại bằng 88,4% (283 tỷ đồng).
Khu vực FDI không còn nhà máy bia. Số thu từ Khu du lịch Nam Hội An phụ thuộc vào độ mở cửa thị trường du lịch Trung Quốc và quốc tế, chỉ dự kiến bằng 89,2% (580 tỷ đồng). Các doanh nghiệp FDI khác còn lại sẽ chỉ thu khoảng 500 tỷ đồng.
So với dự toán năm 2024, các khoản thu lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân được ấn định tăng, nhưng không bằng con số thực thu. Theo Cục Thuế, sự sụt giảm số thực thu này vì thuế thu nhập cá nhân chủ yếu thu từ tiền lương, tiền công.
Các nguồn thu còn lại như thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, cho thuê tài sản, trúng thưởng và từ hộ kinh doanh dự báo có tăng trưởng. Tuy nhiên, số thu từ các nguồn này không nhiều, chiếm tỷ trọng nhỏ/tổng số thuế thu nhập cá nhân. Còn các loại thuế khác như thu phí, lệ phí xác định sẽ bằng thực hiện năm 2024.
Khác biệt lớn nhất là thuế bảo vệ môi trường lại tăng đến 174,4% (750 tỷ đồng) và thu tiền sử dụng đất tăng 338,2% (3.300 tỷ đồng), trong khi chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ, nhờn và giảm thuế giá trị gia tăng từ thuế suất 10% xuống 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ đã được Quốc hội và Chính phủ thông qua cho năm 2025.
Số thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh chiếm áp đảo tổng thu ngân sách nội địa thường niên (hơn 60%). Năm 2025 cũng không ngoại lệ. Con số giao thu từ khu vực này khoảng 12.522 tỷ đồng, tăng 0,3% dự toán, nhưng chỉ bằng 79,3% so số thực thu năm 2024.
Tỷ trọng lớn nhất/tổng thu khu vực này vẫn là Trường Hải (chiếm 73,3%). Tuy nhiên, thu ngân sách năm 2025 giao cho Trường Hải chỉ khoảng 9.180 tỷ đồng, bằng 98,7% dự toán, thấp gần 29% so với con số thực thu năm 2024 của tập đoàn này (năm 2024 Trường Hải nộp 12.960 tỷ đồng). Số còn lại (3.342 tỷ đồng) sẽ động viên từ các doanh nghiệp thủy điện tư nhân (600 tỷ đồng), gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ khác và hộ, cá nhân kinh doanh (2.742 tỷ đồng).
Cộng lực thu ngân sách
Số thu ngân sách nội địa được ấn định cho năm 2025 chỉ tăng 3,5% dự toán năm 2024, nhưng chỉ bằng 91,2% số thực thu năm 2024. Không như thu ngân sách đã được định hình từ nhiều năm nay là năm sau luôn phải được lập dự toán tăng thu hơn năm trước, ít nhất từ 9 – 10%.
Các khoản thu chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu thu nội địa đều thấp hơn dự toán lẫn thực hiện năm 2024, trừ tiền sử dụng đất và thuế bảo vệ môi trường được ấn định gia tăng với dự báo các dự án thu tiền sử dụng đất có khả năng phục hồi.
Khi thị trường bất động sản chuyển biến, các doanh nghiệp có nguồn tài chính để nộp các khoản tiền sử dụng đất còn nợ vào ngân sách (hiện nay khoản nợ tiền sử dụng đất còn rất lớn).
Về mặt lý thuyết, một khi ấn định số thu nội địa chỉ tăng ít ỏi (3,5% so dự toán 2024), nhưng thấp hơn nhiều so với con số thực thu năm 2024 thì khả năng thu ngân sách nội địa năm 2025 sẽ “dễ thở”, không chỉ dễ dàng đạt chỉ tiêu kế hoạch mà còn có thể vượt thu như năm 2024.
Tuy nhiên, cơ quan dự toán, tài chính hay hành thu đều không nghĩ vậy. Họ cho rằng việc phê chuẩn mức thu ngân sách như vậy là hợp lý, không thể dựa vào con số thực thu của năm 2024 để đưa ra dự toán cho năm 2025 khi vẫn còn có quá nhiều yếu tố bất lợi tác động đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến nguồn thu.
Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho hay, thu ngân sách năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nếu Tập đoàn Trường Hải vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, các vướng mắc của từng dự án bất động sản được xử lý hiệu quả và giải ngân vốn đầu tư công tốt, đạt hiệu suất cao.
Thực tế thị trường và nền kinh tế cho thấy thu ngân sách là biểu đồ đo sự phát triển kinh tế, thước đo trình độ điều hành ngân sách của chính quyền địa phương.
Tiêu chí này cũng là cơ sở quan trọng đánh giá chất lượng quản lý thuế của cơ quan thuế. Vì vậy, ngành thuế luôn lo lắng cho việc triển khai thu thuế là điều cần thiết. Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa tìm được lối mở thị trường.
Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ, nhờn và giảm thuế giá trị gia tăng từ thuế suất 10% xuống 8% đối với một số hàng hóa, dịch vụ sẽ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, nhưng sẽ tác động đến thu ngân sách về chỉ tiêu đối với sắc thuế này.
Không kể số doanh nghiệp rời bỏ thị trường khá nhiều, chưa biết bao giờ trở lại. Số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và các dự án đầu tư mới cũng chỉ trong giai đoạn khởi động.
Ông Nguyễn Văn Tiếp – Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam nói, hiện nay các năng lực sản xuất mới chưa thể phát sinh nguồn thu. Chưa có thêm địa chỉ nào để thu thuế.
Theo chu kỳ sau khi nhận chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ thì doanh số bán xe lại sẽ giảm xuống. Trong khi đó, dòng xe điện ra nhiều, ô tô cạnh tranh khốc liệt. Rất khó để dự báo hay đoán định thị trường.
Nếu có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ thì quá tốt, nhưng việc “bảo hộ” này chưa chắc sẽ lại được tiếp tục. Còn tiền sử dụng đất, dự báo sẽ vẫn khó thu. Cao hết mức cũng chỉ thu được khoản 2.000 tỷ đồng đã là nhiều.
“Thu ngân sách nội địa năm nay sẽ khó. Ngành thuế sẽ phải nỗ lực hết mình, vượt qua các áp lực, khó khăn của nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành, cố gắng vượt mức dự toán được giao” – ông Tiếp nói.
Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong nói, nhìn dự toán thu ngân sách thấp vậy, nhưng không dễ thực hiện. Không còn chính sách hỗ trợ, kích cầu, cạnh tranh thị phần ô tô ngày càng khốc liệt nên Trường Hải sẽ gặp khó khăn hơn trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Nhu cầu mua sắm của người dân, doanh nghiệp có xu hướng bão hòa, sẽ làm cho sản lượng tiêu thụ giảm nhiều so năm 2024.
“Bộ Tài chính dự kiến ô tô sẽ cạnh tranh khốc liệt. Thị trường bão hòa, nên đã giao chỉ tiêu thu thấp. Quảng Nam đã phấn đấu tăng so với Bộ Tài chính giao đối với ô tô thêm 1.000 tỷ đồng. Con số này sẽ phải phấn đấu lắm mới có thể đạt được” – ông Phong nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thay-gi-tu-du-toan-thu-noi-dia-quang-nam-nam-2025-3146979.html