Đi từ lợi ích của dân
Năm 2020, Mặt trận tỉnh chọn hình thức phản biện theo hướng đối thoại với cơ quan chủ trì soạn thảo (Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh) về dự thảo báo cáo của UBND tỉnh thẩm tra hồ sơ đề nghị xét, công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho TP.Hội An năm 2020.
Theo đó, Mặt trận tỉnh đã tổ chức khảo sát thực trạng tình hình đời sống nhân dân ở làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà); làm việc với HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông (xã Cẩm Thanh); gặp gỡ, lắng nghe ý kiến nhân dân phản ánh về việc trồng rau và tham gia làm dịch vụ du lịch; khảo sát cảnh quan môi trường nông thôn và tình hình thu nhập của người dân thành phố năm 2020.
Đồng thời tổ chức tham vấn ý kiến của 40 vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp huyện, cấp xã đã nghỉ hưu, người có uy tín trong các tôn giáo, đại diện người có uy tín trong cộng đồng người Hoa và chủ nhiệm một số HTX trên địa bàn thành phố.
Trên cơ sở đó, Mặt trận tỉnh đã phản biện rõ về “tiêu chí thu nhập” không đạt chuẩn. Lý do, năm 2020, tình hình dịch COVID-19 và thiên tai đã ảnh hưởng đến sản xuất – kinh doanh, nhất là ngành du lịch – dịch vụ, vì thế, thu nhập bình quân của người dân bị ảnh hưởng nhất định.
Cạnh đó, tại xã Cẩm Hà và xã Cẩm Kim không có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 (yêu cầu liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực).
Sau phản biện, Mặt trận tỉnh kiến nghị và được UBND tỉnh thống nhất chưa trình hồ sơ về Ban chỉ đạo Trung ương để thẩm định, xét công nhận TP.Hội An hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Theo kế hoạch của UBND tỉnh, năm 2025, TP.Hội An sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sát vấn đề
Năm 2023, Ban Thường trực Mặt trận tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế ở các huyện, xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 do Sở Nội vụ Quảng Nam chủ trì soạn thảo.
Theo đó, có nhiều kiến nghị sát sườn với quyền và lợi ích của đối tượng liên quan. Như đề nghị rà soát, bổ sung bảo đảm đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng như cán sự, viên chức sự nghiệp giáo dục công lập, người hoạt động không chuyên trách cấp thôn, tổ dân phố, người làm việc trong các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Cần quy định các mức hỗ trợ cụ thể theo từng đối tượng để có mức hỗ trợ hợp lý, công bằng hơn.
Ông Phạm Phú Thủy – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Nông Sơn cho rằng, công tác chuẩn bị tài liệu, nội dung cho hội nghị phản biện của Mặt trận tỉnh chuyển khá sớm nên ông có điều kiện nghiên cứu chính sách cặn kẽ, để khi tham gia phản biện sát được từng đối tượng, ngõ hầu đem lại quyền lợi cho những người chịu ảnh hưởng trực tiếp khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Kết quả phản biện của Mặt trận tỉnh được Sở Nội vụ tiếp thu và HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 37/2023/NQ-HĐND, ngày 29/12/2023.
Để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, mới đây (6/2024), tại Hội nghị phản biện dự thảo đề án Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh, ông Lê Tấn Trung – nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Quế Sơn (được Mặt trận tỉnh mời tham gia phản biện) cho rằng, việc chuyển đổi nhiều giấy tờ có liên quan từ đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới; việc đính chính thông tin, địa chỉ trong các giấy tờ liên quan đến đất đai, tài sản gắn liên trên đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do sắp xếp đơn vị hành chính chưa thấy khoản kinh phí nào để hỗ trợ cho dân.
Nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án là 90 tỷ đồng nhưng trong dự thảo đề án chưa đề cập đến khoản kinh phí Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân khi thực hiện việc điều chỉnh thông tin hồ sơ bị thay đổi do sắp xếp.
Do đó, sau phản biện Mặt trận tỉnh kiến nghị bố trí kinh phí hỗ trợ (miễn phí) cho người dân khi điều chỉnh thông tin giấy tờ; kinh phí; trách nhiệm khắc phục những tác động tiêu cực, ổn định đời sống nhân dân; an ninh trật tự ở cơ sở; xử lý tài sản công dôi dư…
Dự thảo đề án nêu trên, cơ quan soạn thảo đang tiếp thu để hoàn thiện. Tuy nhiên, khi nghe thông tin này từ hội nghị phản biện của Mặt trận, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án theo hướng Nhà nước phải lo kinh phí hỗ trợ cho dân điều chỉnh các giấy tờ liên quan sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.
“Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Chúng ta không thể để người dân chịu thiệt thòi” – Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Giám sát sau phản biện
Năm 2021, Ban Tuyên giáo – Tổ chức – Dân tộc – Tôn giáo chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phản biện dự thảo đề án Hỗ trợ, chính sách sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài phản biện kỹ đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện nội dung đề án, về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, về nhu cầu và nguồn vốn hỗ trợ, Mặt trận tỉnh đề nghị phải xác định lại mục tiêu của đề án.
Theo đó không nhất thiết phải đặt ra mục tiêu “đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn miền núi của tỉnh” mà nên cân nhắc, tính toán một cách hợp lý việc sử dụng toàn bộ nguồn kinh phí đã dự trù của đề án để tập trung đầu tư, hỗ trợ bảo đảm chỗ ở, đất sản xuất, sinh hoạt, hạ tầng thiết yếu… cho 50% tổng số hộ gia đình thuộc đối tượng của đề án; trong đó ưu tiên hỗ trợ 100% nhóm đối tượng các hộ gia đình vùng thiên tai, rừng đặc dụng, phòng hộ… nhằm hướng đến tính bền vững và hiệu quả của đề án. Những phản biện trên được đơn vị soạn thảo tiếp thu tối đa và hoàn chỉnh trước khi trình HĐND tỉnh thông qua.
Đến năm 2023, sau 2 năm ban hành nghị quyết, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì giám sát UBND cấp huyện về thực hiện công tác sắp xếp dân cư.
Qua giám sát cho thấy, giai đoạn 2021 – 2022, mục tiêu nghị quyết thực hiện hỗ trợ cho 2.358 hộ ở vùng thiên tai và cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Song, đến thời điểm ổn định (từ 6/2022), toàn tỉnh mới thực hiện di dời nhà ở 832 hộ/2.358 hộ (tỷ lệ 28,3%).
Trong đó, hộ vùng thiên tai, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ của huyện Nam Trà My di dời 117/370 hộ (31,6%); huyện Hiệp Đức mới di dời 19/116 hộ (16,3%).
Qua khảo sát cho thấy những bất cập nhất định trong việc xác định đối tượng thụ hưởng. Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát tiến độ, kiểm tra, xác định rõ đối tượng thụ hưởng chính sách Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 22/7/2021 để có cơ sở hoạch định nhiệm vụ trong thời gian đến; đồng thời có biện pháp xử lý đối với các hộ không phải đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ.
Những vấn đề tác động lớn đến xã hội, đến nhân dân, đã có sự tham gia phản biện của Mặt trận tỉnh như vậy. Chức năng chính trị được khẳng định rõ nét qua chất lượng các cuộc phản biện.
Nhiệm kỳ 2019 – 2024, có 15/16 cuộc phản biện do Mặt trận tỉnh chủ trì nhận được văn bản phản hồi của cơ quan liên quan. Dẫu vậy, kết quả tiếp thu nội dung phản biện, không phải lúc nào cũng đến nơi đến chốn, vì nằm ngoài tầm kiểm soát của Mặt trận tỉnh.
—————–
Bài cuối: Không chỉ là hình thức
Nguồn: https://baoquangnam.vn/giam-sat-phan-bien-xa-hoi-cua-mat-tran-cach-nao-de-nang-cao-hieu-qua-bai-2-thau-hieu-de-kien-nghi-dung-3138033.html