Ý tưởng sáng tạo
Chị Hồ Thị Danh – Giám đốc Hợp tác xã Xây dựng, nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ Thiên Danh (HTX Thiên Danh) cho biết, nhiều năm trước đây, những cánh rừng ở xã Trà Đốc có rất nhiều cây lim, đi kèm với đó, số lượng nấm lim xanh cũng khá dồi dào. Nấm lim xanh trở thành sản vật, cây thuốc quý mà người dân địa phương sử dụng và mang biếu tặng. Về sau, cây lim bị khai thác nhiều, nấm lim xanh cũng ít dần. Nhiều người phải vào tận rừng sâu mới tìm được một vài tai nấm.
Qua tìm hiểu và nghiên cứu trên các kênh thông tin khoa học, chị Danh biết được nấm là một loài ký sinh, chỉ cần có vật chủ, đủ điều kiện cung cấp dưỡng chất thì nấm sẽ phát triển. Bên cạnh đó, công nghệ chiết tách, nuôi cấy phôi nấm ngày càng hiện đại. Chị Danh đã mạnh dạn thử nghiệm việc cấy phôi nấm lim xanh trên gỗ cây lim.
[VIDEO] – Chị Hồ Thị Danh chia sẻ về quy trình nuôi cấy nấm lim xanh trên giá thể nhánh cây lim:
“Ban đầu, mình tìm vài gốc lim còn sót lại trong rừng, qua internet, mình liên lạc và mua phôi nấm lim xanh tại một cơ sở ở tỉnh Khánh Hòa. Mình cũng xuống Tam Kỳ học hỏi các mô hình trồng nấm khác, thấy họ hấp túi phôi, mình mang gốc lim đi hấp. Sau đó về cấy phôi nấm vào gốc lim, thử nghiệm một thời gian thì nấm bắt đầu mọc ra và phát triển” – chị Danh nói.
Từ thử nghiệm ban đầu này, năm 2022, chị Danh đã đưa mô hình tham gia Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện và đoạt giải Nhất, sau đó mô hình tiếp tục được công nhận là dự án khởi nghiệp cấp tỉnh. Những kết quả này đã tạo động lực để chị Danh sẵn sàng đầu tư sản xuất mô hình với quy mô lớn hơn, tạo sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Cần trợ lực để phát triển
Xác định hướng phát triển từ cây lim, từ năm 2020, chị Danh cùng các thành viên HTX Thiên Danh đã đầu tư trồng hơn 500 cây lim giống trên diện tích 1ha đất rừng sản xuất. Trước mắt, để có nguồn nguyên liệu nuôi cấy nấm, chị Danh thu mua của người dân, chị chỉ mua nhánh, cành cây lim trên 5 tuổi mà không cần phải chặt thân, sau đó 2 năm sẽ tiếp tục khai thác. Chị cũng đầu tư khu nhà lồng với diện tích 50m2, tạo môi trường tương tự với không gian rừng để nấm phát triển.
Mỗi năm, HTX Thiên Danh sản xuất khoảng 3 vụ, mỗi vụ khoảng 3.000 – 5.000 phôi nấm, với tỷ lệ đạt khoảng 60 – 80%, HTX thu hoạch được khoảng 110 – 140kg nấm tươi và sau khi sấy đạt 30 – 40kg nấm khô. Vì trồng trên vật chủ là gỗ lim nên hàm lượng dược chất từ nấm lim xanh trồng chỉ chênh lệch rất ít so với nấm lim xanh rừng. Với giá bán ra thị trường 3 triệu đồng/kg nhưng gần như trước khi thu hoạch, HTX Thiên Danh đều có khách hàng đặt mua hết.
Chị Danh chia sẻ: “Nhiều khách hàng giới thiệu nhau đặt mua nhưng chúng tôi cũng không có nấm để bán. Nhu cầu thị trường về nấm lim xanh rất lớn nên chúng tôi đang có kế hoạch mở rộng vùng sản xuất để sản xuất liên tục. Tuy nhiên, với điều kiện của một HTX miền núi, nguồn lực còn hạn chế nên chúng tôi mong muốn được các cấp quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển”.
Theo chị Danh, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay là nguồn đất, để thực hiện kế hoạch sản xuất liên tục nấm lim xanh nuôi cấy thì cần diện tích khoảng 3,5ha, ước tính, mô hình sẽ cung cấp đều mỗi tháng từ 50 – 70kg nấm khô thành phẩm.
Ngoài ra, hiện nay, HTX Thiên Danh vẫn chưa có máy hấp phôi gỗ, mỗi lần sản xuất lứa mới phải chở xuống trại nấm ở Tam Kỳ hấp thuê, tốn thời gian và chi phí lớn. Trong khi đó, máy hấp có giá bán trên thị trường khoảng 300 – 350 triệu đồng.
“Vì vậy, chúng tôi mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất để mở rộng mô hình với chi phí ưu đãi dành cho HTX. Ngoài ra, cũng cần cơ chế vay vốn hoặc ứng dụng chương trình khuyến công, hỗ trợ đầu tư máy hấp. Nếu mô hình nhận được những trợ lực từ các cấp, chúng tôi sẽ đầu tư sản xuất và tạo thương hiệu về sản phẩm địa phương, xứng đáng với chứng nhận 3 sao OCOP” – chị Danh đề xuất.
[VIDEO] – Chị Danh chia sẻ một số khó khăn khi mô hình chỉ sản xuất nấm lim xanh với số lượng ít:
Ông Hồ Cao Quý – Chủ tịch UBND xã Trà Đốc cho biết, địa phương đánh giá cao HTX Thiên Danh trong những nỗ lực đầu tư các mô hình phát triển kinh tế. Thời gian qua, địa phương cũng hỗ trợ để đơn vị này tham gia một số chương trình đạt được nhiều kết quả ấn tượng, trong đó, sản phẩm nấm lim xanh đã đạt chứng nhận 3 sao OCOP.
“Địa phương sẵn sàng tạo mọi thuận lợi cho HTX Thiên Danh nói riêng và các mô hình kinh tế trên địa bàn xã trong điều kiện có thể. Về quỹ đất thuê để mở rộng mô hình sản xuất nấm lim xanh, địa phương sẽ rà soát quy hoạch, hỗ trợ HTX Thiên Danh thực hiện các thủ tục thuê đất theo cơ chế. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ kiến nghị lên cấp trên có thêm nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ mô hình này, tiến tới phát triển sản phẩm và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân” – ông Quý nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thanh-cong-voi-mo-hinh-nuoi-cay-nam-lim-xanh-3139236.html