Tham gia nhiều hội chợ, chương trình giao thương, kết nối cung cầu ở khắp các tỉnh, thành cả nước, chị Bùi Thị Nguyệt – chủ cơ sở sản xuất dầu tràm Linh Vũ (thôn Tây Giang, xã Bình Sa) cho biết, thu được nhiều thành công ngoài mong đợi.
Tại các hội chợ, chị Nguyệt quảng bá và bán sản phẩm dầu tràm hiệu quả, đồng thời giao lưu, học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích từ cách đầu tư, nâng tầm sản phẩm…
Qua kết nối giao thương, chị Nguyệt đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các đại lý, nhà phân phối, cửa hàng bán sản phẩm OCOP tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu.
“Giao thương đã giúp cho sản phẩm tinh dầu tràm của tôi được nâng cao cả về hình thức và chất lượng, mở rộng tiếp cận thị trường” – chị Nguyệt nói.
Hiện nay, trên địa bàn Thăng Bình có 27 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện; 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Cùng với hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, Thăng Bình hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ứng dụng công nghệ số, tham gia thương mại điện tử để tăng cường kết nối, mở rộng thị trường.
UBND huyện Thăng Bình đã xây dựng website giới thiệu sản phẩm, thiết kế phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc cho các cơ sở OCOP, công nghiệp nông thôn.
Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã tích cực tham gia quảng bá, phân phối các sản phẩm địa phương thông qua các phương thức thương mại điện tử, giao dịch trực tuyến để đẩy mạnh cung ứng và đa dạng thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Húy – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, để tạo động lực phát triển thương mại, từ năm 2021 đến nay, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, kiện toàn các chợ Đo Đo (Bình Quế), chợ Bình Trị, chợ trung tâm xã Bình Lãnh, chợ Bình Nam.
Thăng Bình đã rà soát, điều chỉnh địa điểm một số chợ đến vị trí mới phù hợp để mở rộng quy mô diện tích và thúc đẩy thương mại ở các địa phương như chợ Lạc Câu (xã Bình Dương), chợ Hà Châu (xã Bình Phú), chợ Bình Đào. Nhờ sức mua tăng lên, nhiều cửa hàng tiện ích, siêu thị mini đã được người dân đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng thêm nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.
“Xúc tiến đầu tư chợ đầu mối nông súc sản miền Trung – Tây Nguyên ở vùng tây Thăng Bình là nhiệm vụ lớn của huyện. Đây cũng là vận động mạnh về phát triển thương mại trên địa bàn” – ông Húy nói.
Ông Lê Quang Hạt – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình cho biết: “Hướng phát triển thương mại thời gian tới của địa phương là tiếp tục phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại; rà soát, thực hiện tốt quy hoạch phát triển thương mại phù hợp với quy hoạch vùng huyện.
Thăng Bình đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hiện tốt giải quyết thủ tục về đất đai, kinh doanh, đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển thương mại thuận lợi và hiệu quả”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thang-binh-tao-cu-hich-phat-trien-thuong-mai-3141243.html