Huyện Thăng Bình đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, xã Bình Chánh sáp nhập với xã Bình Phú để thành ĐVHC mới là xã Bình Phú, có tổng diện tích hơn 43km2, đạt 85,56%; quy mô dân số hơn 9.600 người, đạt gần 193% và 8 thôn; dự kiến trụ sở làm việc đặt tại UBND xã Bình Phú.
Sáp nhập toàn bộ xã Bình Định Nam và xã Bình Định Bắc thành ĐVHC xã mới là Bình Định, có tổng diện tích hơn 33km2, đạt hơn 110%; quy mô dân số 10.207 người, đạt hơn 127% và 6 thôn; dự kiến nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC xã mới tại UBND xã Bình Định Bắc. Sau sáp nhập, huyện Thăng Bình sẽ còn 20 ĐVHC (19 xã và 1 thị trấn)
Ông Trương Văn Lý – Phó Trưởng phòng Nội vụ Thăng Bình cho biết, huyện có 3 đơn vị hành chính (ĐVHC) gồm Bình Chánh, Bình Định Bắc và Bình Định Nam có đồng thời 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo quy định.
Vì vậy, sắp xếp ĐVHC cấp xã ở những địa phương này là cần thiết, góp phần giảm quy mô ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế – xã hội.
Góp ý đề án, ông Đoàn Ngọc Dũng (thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh, Thăng Bình) cho rằng, bản thân ông và nhân dân trong thôn đồng thuận cao với chủ trương sáp nhập xã.
Tuy nhiên, ông và người dân trong thôn lo lắng khi sáp nhập lãnh đạo xã Bình Chánh hầu hết nghỉ hưu, sẽ thiếu sâu sát cơ sở. Ngoài ra, sau sáp nhập việc điều chỉnh, bổ sung giấy tờ tùy thân đối với các cá nhân, tổ chức… cũng là khó khăn cho người dân.
“Sau sáp nhập, huyện nghiên cứu bố trí cán bộ lãnh đạo ở địa phương mới phù hợp cũng như tạo thuận lợi cho người dân thực hiện điều chỉnh giấy tờ” – ông Dũng nói.
Theo ông Đoàn Ngọc Liêu – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Chánh, Đề án “Sắp xếp ĐVHC cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025 của huyện Thăng Bình” cũng nêu ra nhiều khó khăn khi thực hiện việc sáp nhập.
Trong đó, khi mở rộng quy mô ĐVHC sẽ dẫn đến nhiều thách thức như: tăng quy mô dân số, lao động, giải quyết việc làm; dư thừa một số công trình như trụ sở làm việc, nhà văn hóa, trạm y tế… dẫn đến dễ lãng phí tài sản công.
“Đối với công tác giáo dục, học sinh ở Bình Chánh không nhất thiết phải lên Bình Phú học, nếu trường đảm bảo điều kiện thì nên giữ nguyên, tạo thuận lợi cho việc đi lại của học sinh và phụ huynh khi đưa đón con. Ngoài ra, cán bộ công chức, cán bộ không chuyên trách cần phải tính toán, cân đối phù hợp” – ông Liêu đề xuất.
Bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, việc thực hiện điều chỉnh, bổ sung giấy tờ tùy thân đối với các cá nhân, tổ chức… huyện sẽ thực hiện theo Nghị quyết 35 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong đó nội dung quy định các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo ĐVHC cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng. Khi thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ sẽ không thu các loại phí, lệ phí.
“Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã làm việc với cán bộ, công chức ở các ĐVHC sáp nhập và chỉ đạo UBND huyện, các ngành và địa phương bố trí, sắp xếp cán bộ hợp lý để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở ĐVHC mới. Người dân đồng thuận với chủ trương sáp nhập là thuận lợi để huyện triển khai thực hiện đề án” – bà Phan Thị Nhi nói.