Theo tìm hiểu, quy mô dư nợ tín dụng chính sách của huyện Thăng Bình lớn nhất so với các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh (hơn 853 tỷ đồng, dư nợ bình quân ở 22 xã, thị trấn đạt hơn 38 tỷ đồng/xã, thị trấn) nhưng một số xã có dư nợ còn quá thấp so với bình quân chung của huyện, như Bình Định Bắc là 13 tỷ đồng, Bình Phú là 24 tỷ đồng, Bình Chánh, Bình Định Nam là 27 tỷ đồng, Bình Giang là 28 tỷ đồng…
Nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi của nhân dân trên địa bàn là rất lớn nhưng nguồn vốn chính sách chỉ đáp ứng được một phần. Việc xét duyệt cho vay, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay của hội, đoàn thể nhận ủy thác còn chưa chặt chẽ; chưa xử lý tốt các hộ vay chây ỳ, nợ quá hạn. Chủ tịch UBND một số xã chưa tham gia đầy đủ họp giao ban tại điểm giao dịch xã…
Ông Nguyễn Văn Húy giao nhiệm vụ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thăng Bình tham mưu Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện tổ chức tuần lễ gửi tiết kiệm vì người nghèo, chính sách; tập trung huy động tiết kiệm qua tổ, tiết kiệm dân cư; phối hợp với UBND xã, thị trấn, hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn từng bước củng cố chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số; tăng cường công tác xử lý nợ quá hạn.
Ông Nguyễn Văn Húy cũng đã yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn khảo sát nhu cầu vay vốn của nhân dân, gửi danh sách hộ vay vốn ưu đãi đến Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để giải ngân cho vay; đẩy nhanh cho vay vốn ưu đãi ở các địa phương làm động lực giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội; lồng ghép tín dụng chính sách vào chương trình phát triển kinh tế của địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nhân dân…