Những điểm nhấn đáng chú ý
Do chưa công bố chính thức nên chưa rõ thứ hạng cụ thể của du lịch Quảng Nam theo Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam 2023.
Dù vậy, qua phân tích của chuyên gia tại hội thảo mô hình điểm du lịch xanh Quảng Nam vừa diễn ra tại TP.Hội An cũng đã phần nào phản ánh năng lực tổng thể của du lịch Quảng Nam theo VTDI 2023.
VTDI là bộ công cụ đánh giá dựa trên 5 nhóm chỉ số, 17 trụ cột, 111 chỉ số được tính toán dựa trên dữ liệu từ khảo sát và các nguồn dữ liệu định lượng.
Theo đánh giá của VTDI 2023 về du lịch Quảng Nam, các nhóm chỉ số có thế mạnh so với bình quân chung cả nước gồm: tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, sự bền vững về môi trường và năng lượng trong du lịch, hạ tầng hàng không.
Trong đó, tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa có chỉ số vượt trội so với mặt bằng (được đánh giá 3,79 điểm so với 3,18 điểm bình quân chung).
Điều này dễ hiểu bởi Quảng Nam là địa phương duy nhất trên toàn quốc sở hữu 2 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, bên cạnh đó còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới là Cù Lao Chàm – Hội An.
Quảng Nam cũng đã có đánh giá và xác lập 125 tài nguyên du lịch, trong đó có 58 tài nguyên du lịch tự nhiên và 67 tài nguyên du lịch văn hóa.
Trong khi đó, một số nhóm chỉ số đáng chú ý bị đánh giá thấp của du lịch Quảng Nam theo VTDI 2023 như: Phân bổ mật độ khách du lịch không đều; môi trường thuận lợi (bao gồm môi trường kinh doanh, an toàn và an ninh, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin…); tác động kinh tế – xã hội của du lịch…
Ở nhóm chỉ số về sự bền vững của du lịch của Quảng Nam cũng chỉ ở mức trung bình chứ chưa phải là điểm mạnh dù những năm gần đây địa phương rất chú trọng vấn đề này.
Ông Trương Nam Thắng – chuyên gia cao cấp về marketing và chính sách du lịch của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ phân tích, cả 5 chỉ số ở trụ cột tác động đến kinh tế – xã hội của du lịch Quảng Nam đều dưới mức trung bình.
Tác động đến kinh tế – xã hội của du lịch Quảng Nam thấp là do doanh thu thấp từ các dịch vụ liên quan đến du lịch, đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh cũng chưa cao, thu nhập bình quân trong lĩnh vực lưu trú và ăn uống vẫn còn hạn chế.
Cải thiện đồng bộ
Để tiếp tục cải thiện chỉ số dựa trên kết quả từ VTDI 2023, các chuyên gia khuyến nghị Quảng Nam cần thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp, cộng đồng và doanh nghiệp lữ hành địa phương để đảm bảo lợi ích của du lịch được phân phối rộng rãi. Triển khai các chương trình khuyến khích tinh thần kinh doanh của địa phương trong các hoạt động liên quan đến du lịch.
Ông Trần Xuân Mới – Giám đốc Công ty Tư vấn quản lý ATM cho rằng, phát triển mạnh du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn bằng việc đưa các chương trình, tour tuyến, sản phẩm ở các loại hình này vào công ty du lịch để tăng tương tác xã hội, sẻ chia lợi ích kinh tế hài hòa, giảm tải sức chứa vùng lõi điểm đến là cách hiệu quả để cải thiện nhóm chỉ số tác động đến kinh tế – xã hội của du lịch.
Ưu tiên cho du lịch và lữ hành cũng là một giải pháp quan trọng để gia tăng năng lực du lịch địa phương. Trong đó cần làm việc chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ để ưu tiên cho du lịch trong việc hoạch định chính sách và phân bổ ngân sách. Việc hợp tác với các tỉnh có điểm số cao trong trụ cột này cũng là một giải pháp để hiểu hơn về cách làm hiệu quả cho sự phát triển du lịch.
Theo ông Trương Nam Thắng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên một mình cơ quan quản lý ngành du lịch không thể cải thiện, nâng cao các chỉ số theo VTDI 2023 được mà cần sự vào cuộc đồng bộ từ các cơ quan chức năng liên quan.
“Có nhiều chỉ số Quảng Nam bị đánh giá thấp nhưng lại không liên quan đến ngành du lịch và được quản lý bởi nhiều sở ban ngành khác nhau.
Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn sau khi bộ chỉ số chính thức được công bố, Quảng Nam sẽ có các buổi họp kỹ thuật để phân tích từng nhóm chỉ số, trụ cột để biết được du lịch địa phương mạnh, yếu ở đâu và trách nhiệm cải thiện từng phần việc sẽ do cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm” – ông Trương Nam Thắng nói.
VTDI 2023 được phối hợp đánh giá độc lập từ các tổ chức trong nước và quốc tế trên 30 tỉnh, thành phố có hoạt động du lịch phát triển mạnh tại Việt Nam. Năm 2021, Quảng Nam đứng thứ 4/15 tỉnh, thành phố được khảo sát theo kết quả Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam.
Dự án xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) từ năm 2019 với mục tiêu thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tham-chieu-chi-so-phat-trien-du-lich-3139903.html