Tiếp sau các nhà thám hiểm, thương nhân, nhà truyền giáo là những kẻ đại diện thực dân phương Tây từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh… lần lượt “đổ bộ” lên Formosa.
Các quốc gia này mở thương cảng, xây các thương điếm và đặc biệt dựng các pháo đài (fort) án ngữ các cửa sông, cửa biển, để bảo vệ thương thuyền của Tây phương đến đây buôn bán, sau đó là sử dụng những nơi này cho các mục đích quân sự trong quá trình chiếm đóng, cai trị hòn đảo.
Chứng tích lịch sử
Hơn 300 năm trôi qua, nhiều pháo đài do người phương Tây và người Hoa xây dựng ở Đài Loan vẫn tồn tại. Nhiều pháo đài cổ trở thành di tích lịch sử, được chính quyền trung ương và địa phương ở Đài Loan bảo vệ, trùng tu, tôn tạo… trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan và tìm hiểu về quá khứ của hòn đảo xinh đẹp này.
An Bình cổ bảo (安平古堡) nằm ven sông Đài Giang, ở thành phố Đài Nam, phía nam Đài Loan. Đây là một pháo đài do người Hà Lan xây dựng năm 1624, làm nơi trú đóng của binh lính và thương nhân Hà Lan ở phía nam Formosa.
Năm 1975, chính quyền Đài Loan đã cho trùng tu các kiến trúc trong pháo đài An Bình cổ bảo. Từ hệ thống tường bao bằng gạch do người Hà Lan xây; các giác bảo và đài quan sát (thời Trịnh Thành Công); tháp canh, doanh trại và trung tâm hành chính (thời Nhật cai trị), biến nơi này thành một bảo tàng mở để đón khách tham quan.
Trong khi đó, ở phía bắc Đài Loan, pháo đài San Domingo tọa lạc trên đỉnh một quả đồi nhìn ra cửa sông Đạm Thủy (nay là huyện Đạm Thủy, thành phố Tân Bắc, ở phía tây bắc Đài Loan). Đây là một pháo đài lịch sử ở quận Tamsui.
Ban đầu nó là một pháo đài bằng gỗ, do người Tây Ban Nha xây dựng vào năm 1628, và đặt tên là pháo đài San Domingo. Hiện tại, sau nhiều binh biến, pháo đài đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia, được các nhà khảo cổ học và bảo tồn học Đài Loan nghiên cứu, khai quật và phục dựng một số kiến trúc cổ, phục vụ du khách đến tham quan.
Cách San Domigo khoảng 1km về hướng bắc là pháo đài Hobe (滬尾砲台: Hỗ Vĩ pháo đài). Vào thập niên 1880, giữa nhà Thanh (Trung Hoa) và quân Pháp đã có một cuộc chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam mà sử sách gọi là “Trung – Pháp chiến tranh”.
Sau chiến tranh, nhà Thanh quyết định tăng cường khả năng phòng thủ ven biển của Đài Loan bằng các pháo đài tại Cơ Long, Đài Nam (Pháo đài Zeelandia) và Đạm Thủy.
Thống đốc Đài Loan lúc đó là Lưu Minh Xuyên đã tăng cường phòng thủ các cửa biển ở Đài Loan. Ông đã thuê chuyên gia người Đức Lieut Max E. Hecht giúp xây dựng 10 pháo đài mới tại các cửa song: Bành Hồ, Cơ Long, Hỗ Vĩ, An Bình…Trong đó có pháo đài Hobe ở gần cửa sông Đạm Thủy.
Năm 1985, quân đội Đài Loan rút khỏi pháo đài Hobe, giao nơi này cho Bộ Nội vụ Đài Loan quản lý. Chính quyền thành phố Tân Bắc đã trùng tu pháo đài này, công nhận là di tích quốc gia, và mở cửa cho công chúng tham quan. Do pháo đài chưa bao giờ tham chiến nên nó gần như vẫn còn nguyên vẹn.
Toàn bộ thành quách được bảo quản tốt và người ta mở một bảo tàng bên trong để trưng bày những hình ảnh và clip về lịch sử pháo đài Hobe, trong đó có những chứng tích về cuộc đổ bộ của quân Pháp vào Đạm Thủy trong cuộc chiến tranh Trung – Pháp vào thập niên 1880.
Bảo tồn kiến trúc cổ
Tôi đã dành 2 ngày đi thăm 3 pháo đài An Bình, San Domingo và Hobe. Người Đài Loan bảo tồn rất tốt các di tích lịch sử này, từ khai quật khảo cổ, bảo tồn nguyên trạng những kiến trúc cổ… đến xây dựng các niên biểu các di tích, đưa hiện vật gốc và hiện vật bổ sung vào trưng bày nhằm tái hiện chân thực quá khứ và cung cấp kiến thức cho những ai muốn tìm hiểu sâu hơn.
Đặc biệt, người Đài Loan không phân biệt đó là di sản của thời kỳ bị chiếm đóng hay thời kỳ tự chủ; giai đoạn hào hùng hay ô nhục; do kẻ xâm lược, do người Trung Hoa đại lục, hay chính người bản địa Formosa tạo dựng… Tất cả đều được bảo tồn tốt nhất có thể và được đưa vào phục vụ du lịch với những tiện ích tối đa, khiến du khách rất hài lòng khi tham quan, tìm hiểu các di tích này.
Tôi hỏi cô Wong, thuyết minh viên tại pháo đài Hobe: “Vì sau những dấu tích thực dân, tàn tích của kẻ xâm lược để lại, vẫn được bảo vệ nguyên vẹn ở Hobe và những pháo đài khác?”.
Cô Wong đáp: “Đó là một phần lịch sử của Đài Loan. Chúng tôi giữ lại tất cả để các thế hệ sau ở Đài Loan hiểu biết đầy đủ về đất nước này, và để du khách quốc tế biết rõ hơn, đầy đủ hơn về lịch sử của đảo quốc này”.