Cụ thể, cử tri Quảng Nam gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV kiến nghị: “Tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng có lợi dụng hình ảnh các y, bác sĩ, người nổi tiếng, diễn viên; sử dụng các danh hiệu như “danh y”, “thần y” để quảng cáo các sản phẩm có tác dụng điều trị bệnh dù chưa được Bộ Y tế cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Việc này không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe, thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng mà còn gây bất an cho xã hội. Đề nghị Bộ TTTT có giải pháp khắc phục tình trạng trên”.
Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) cho rằng thời gian qua, Bộ TT&TT đã tập trung rà soát, xử lý nghiêm tình trạng quảng cáo sai sự thật, lừa đảo, thổi phồng công dụng của thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
Bộ TT&TT đã tập trung rà quét, phát hiện và xử lý các quảng cáo vi phạm pháp luật, đặc biệt tập trung trên các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook, YouTube, TikTok. Yêu cầu Facebook, Google, TikTok chặn gỡ các quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, không cho phép quảng cáo các loại thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, cơ sở khám chữa bệnh… chưa được cơ quan chuyên ngành về y tế cấp phép.
Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để theo dõi, xử lý các sản phẩm quảng cáo liên quan đến an toàn thực phẩm, y tế theo quy định. Bộ Y tế phát hiện vi phạm thì cung cấp thông tin để Bộ TT&TT kịp thời nhắc nhở, xử lý theo quy định. Hiện nay, các bộ đã thành lập các đầu mối liên hệ để xử lý kịp thời các quảng cáo sai sự thật.
Đặc biệt đối với các nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng tầm ảnh hưởng, lòng tin, tình cảm yêu mến của người dân để quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ sai công dụng, tính năng, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ VH-TT&DL xây dựng Quy chế xử lý các nghệ sĩ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục… theo hướng hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng bá thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng.
Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trực tuyến; chỉ đạo Sở TT&TT địa phương phối hợp với các cơ quan có liên quan tại địa phương để rà quét, truy vết, xác định đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm.
Bên cạnh việc kiên quyết yêu cầu các nền tảng quảng cáo xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ các quảng cáo, tài khoản quảng cáo vi phạm, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để người dân cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin quảng cáo…
Năm 2023, Bộ TT&TT tổ chức kiểm tra 9 đại lý quảng cáo trong nước có hợp tác với nền tảng quảng cáo xuyên biên giới; làm việc với khoảng 60 đại lý quảng cáo và doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo gắn vào các nội dung vi phạm pháp luật; xử phạt hành chính 22 doanh nghiệp với tổng số tiền 317,5 triệu đồng.