Nội dung trọng tâm của kế hoạch là thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 quy định tại Nghị quyết số 38 (ngày 9/12/2022) của HĐND tỉnh. Triển khai đảm bảo hiệu quả các nội dung hỗ trợ về di dời cơ sở sản xuất; xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý môi trường; hỗ trợ lãi suất vốn vay để mua nguyên vật liệu, đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; mở lớp truyền nghề; đóng bảo hiểm y tế cho nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; hỗ trợ tổ chức đón nhận bằng công nhận và xây dựng cổng chào hoặc biển quảng bá sản phẩm nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.
Hỗ trợ 7 dự án phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ mở 12 lớp truyền nghề; hỗ trợ các sản phẩm từ nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia chương trình OCOP.
Tổ chức xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh năm 2024 đảm bảo các tiêu chí quy định. Việc xét công nhận danh hiệu nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được tổ chức định kỳ 1 năm/lần. UBND cấp huyện gửi hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống về Sở NN&PTNT (Chi cục Phát triển nông thôn) chậm nhất là ngày 1/10 của năm xét công nhận.
Tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia triễn lãm, hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hỗ trợ, kết nối các sản phẩm từ nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia chương trình OCOP đảm bảo theo quy định. Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí tổ chức Festival nghề truyền thống vùng miền tỉnh Quảng Nam năm 2024…