Hội thảo là hoạt động quan trọng thuộc khuôn khổ dự án “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo (ĐMST) của giới trẻ và cộng đồng vì phát triển đô thị bền vững” do Quỹ Fondation Botnar tài trợ.
Khoảng trống trong ĐMST
Thời gian qua, nhóm nghiên cứu của dự án ghi nhận được 201 sáng kiến ĐMST trên địa bàn Quảng Nam, gồm Hội An có 43 sáng kiến (21,3%), Tam Kỳ 54 sáng kiến (26,8%), còn lại được phân bổ rải rác ở 16 huyện/thị khác.
Trong đó, khoảng 80% là các giải pháp khởi nghiệp ĐMST, trải rộng trên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, nông nghiệp bền vững, du lịch cộng đồng và năng lượng tái tạo; 20% là các sáng kiến thể hiện sự kết nối cộng đồng mạnh mẽ, đặc biệt tập trung ở khu vực Hội An. Tuy nhiên, 117 trong tổng số 201 sáng kiến (58,2%) hiện vẫn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa có dữ liệu đầy đủ về hiệu quả cụ thể.
Ông Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tại Hội An các sáng kiến chủ yếu tập trung vào du lịch cộng đồng và năng lượng tái tạo, phản ánh sự ưu tiên rõ ràng của cộng đồng địa phương đối với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, ở Tam Kỳ các sáng kiến ĐMST chủ yếu tập trung vào nông nghiệp bền vững và du lịch bền vững. Đặc biệt, các sáng kiến ở Tam Kỳ thể hiện nhu cầu cao về chương trình đào tạo và hỗ trợ tài chính để chuyển giao công nghệ và cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững.
“Nhìn chung, Hội An và Tam Kỳ đều thể hiện sự sáng tạo và nhạy bén trong việc giải quyết các vấn đề địa phương; tuy vậy, hoạt động ĐMST ở cả hai khu vực đều có nhiều khoảng trống, cần thêm sự hỗ trợ để hoàn thiện về nguồn lực, môi trường, không gian, cầu nối… và triển khai các giải pháp thử nghiệm” – ông Cường nói.
[VIDEO] – Chị Thái Nguyễn Vân Giang chia sẻ khó khăn khi thực hiện dự án ĐMST:
Tham dự hội thảo, chị Thái Nguyễn Vân Giang – cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ) cho biết, quá trình học tập chị khá quan tâm đến hoạt động ĐMST; tuy nhiên, chị và nhóm của mình gặp nhiều trở ngại. Bởi vì hoạt động ĐMST cần nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, đặc biệt nguồn vốn đầu tư cũng cần thiết để giới trẻ thực hiện hóa ý tưởng của mình.
Một số ý kiến khác tại hội thảo cho rằng, các dự án ĐMST cần được ghi nhận, lan tỏa ra cộng đồng bằng phương tiện truyền thông. Người trẻ cần có cầu nối với các bên liên quan để thúc đẩy ý tưởng ĐMST, đặc biệt là các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước và sinh hoạt trong cùng một không gian ĐMST để được chia sẻ, học hỏi.
Chia sẻ giải pháp
Ghi nhận những nhu cầu thu thập được từ các cuộc khảo sát và ý kiến tại hội thảo, ông Cung Trọng Cường cho rằng, xây dựng một hệ sinh thái ĐMST mạnh mẽ là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh Quảng Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, cộng đồng và các tổ chức liên quan.
Theo đó, để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực, Quảng Nam cần có một quỹ đầu tư ĐMST nhằm hỗ trợ tài chính cho các sáng kiến đổi mới. Quỹ này sẽ được định hướng phát triển dựa trên tầm nhìn lâu dài của địa phương, với mục tiêu ổn định và thúc đẩy các giải pháp ĐMST. Cần hệ thống hóa các giải pháp ĐMST, xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, tạo hồ sơ sản phẩm chi tiết và kế hoạch kinh doanh cụ thể.
[VIDEO] – Ông Cung Trọng Cường đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động ĐMST ở Quảng Nam:
Đồng thời, Quảng Nam cũng cần tạo ra một mạng lưới kết nối giữa các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ ĐMST và các nhóm sáng tạo. Việc này có thể bao gồm tổ chức các sự kiện kết nối, hội thảo và diễn đàn mở để các bên liên quan trao đổi và hợp tác hiệu quả hơn.
Ngoài ra, có thể nghiên cứu xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ ĐMST, như trung tâm ươm mầm khởi nghiệp, không gian làm việc chung và các cơ sở nghiên cứu phát triển.
Địa phương có thể ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, giảm phí và hỗ trợ tài chính cho các dự án ĐMST. Tạo điều kiện cho cộng đồng và thanh niên tiếp cận các khóa đào tạo về kỹ năng ĐMST, quản lý dự án và ứng dụng công nghệ thông tin.
“Về lâu dài, Quảng Nam cần xác định và hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ, các nguồn hỗ trợ phát triển quốc tế để huy động thêm nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án ĐMST. Các tổ chức này có thể cung cấp hỗ trợ tài chính, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và kết nối với mạng lưới toàn cầu” – ông Cường nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tao-nguon-luc-ho-tro-doi-moi-sang-tao-cho-gioi-tre-va-cong-dong-3140074.html