Thu hút đầu tư
Nghị quyết số 07 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là nền tảng để Thăng Bình tạo động lực phát triển vùng Đông.
Ngày 19/7/2021, Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành Chương trình hành động số 09, chỉ đạo UBND huyện, cấp ủy các xã vùng Đông quản lý quy hoạch, hiện trạng, trật tự xây dựng, đất đai, môi trường và tập trung thực hiện tốt bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư, tạo quỹ đất sạch để triển khai các dự án trọng điểm, thu hút dự án đầu tư vào vùng Đông.
Hằng năm, HĐND huyện Thăng Bình cụ thể hóa các mục tiêu phát triển vùng Đông của huyện vào các nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội để UBND huyện, các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả.
Huyện Thăng Bình thường xuyên nắm tình hình cơ sở, rà soát, kịp thời báo cáo, kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để chỉ đạo tháo gỡ, điều chỉnh, ban hành bổ sung các quy định, cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng Đông của huyện và thu hút đầu tư.
Hạ tầng vùng Đông Thăng Bình ngày càng khang trang. Nhiều tuyến giao thông được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng như dự án mở rộng đường 129 (Võ Chí Công) giai đoạn 2, cầu Bình Đào trên tuyến quốc lộ 14E, cầu Bình Nam 1, Bình Nam 2, nâng cấp đường ĐT.613 tại xã Bình Dương, nâng cấp đường ĐT.613B tại xã Bình Minh…
Hiện nay, Thăng Bình tập trung GPMB và triển khai Dự án cầu Bình Sa đi Bình Hải, GPMB các dự án thành phần 2 đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với quốc lộ 14H và quốc lộ 1, Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam…
Công tác kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư được huyện chú trọng. Thời gian qua, huyện đã phối hợp các sở, ngành của tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển nhiều dự án như Vinpearl Nam Hội An, Bliss Hội An Beach Resort & Wellness, dự án nhà máy sản xuất vải mành của Tập đoàn Hyosung, dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp của Công ty CP Capella Quảng Nam…
Đến nay các dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh các ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp đóng góp ngân sách, tạo diện mạo mới cho vùng Đông, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho huyện.
Động lực mới
Ông Phan Công Vỹ – Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, nhiệm vụ quan trọng phát triển vùng Đông của huyện từ nay đến năm 2030 là quản lý tốt quy hoạch, hiện trạng, trật tự xây dựng, đất đai.
Trên cơ sở tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch vùng huyện đến năm 2030 theo Quyết định số 339 ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh, Thăng Bình phối hợp Sở Xây dựng hoàn thiện, trình phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Bình Minh, phấn đấu xây dựng xã Bình Minh đạt đô thị loại V vào năm 2025.
Huyện phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh nghiên cứu, lập dự án Khu công nghiệp Nam Thăng Bình để góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giải quyết nguồn lao động dồi dào của địa phương.
Ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, tập trung đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng Đông là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tạo sự lan tỏa, động lực, sức bật phát triển kinh tế – xã hội.
Thăng Bình huy động các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế vùng Đông của huyện theo hướng dịch vụ, du lịch – công nghiệp – kinh tế biển – nông nghiệp, công nghệ cao.
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào vùng Đông tiếp tục được huyện Thăng Bình xem là nhiệm vụ trọng tâm. Địa phương đẩy nhanh các hoạt động quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng của vùng đất để kết nối đầu tư.
Theo ông Võ Văn Hùng, huyện sẽ phối hợp các sở, ngành triển khai nhiều hoạt động hợp tác xúc tiến theo chiều sâu với các tỉnh, thành phố trong cả nước; nghiên cứu tổ chức các đoàn công tác, trao đổi học hỏi kinh nghiệm về thu hút đầu tư trong và ngoài tỉnh.
Chủ trương của huyện Thăng Bình là lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các khu du lịch tập trung ven biển, các khu dịch vụ, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp với các sản phẩm đặc thù để hình thành chuỗi du lịch, dịch vụ cao cấp ven biển, dọc theo sông Trường Giang và tuyến đường Võ Chí Công.
“Kết hợp phát triển du lịch cộng đồng phát huy làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái đồng quê; phát triển các khu nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, cảng biển du lịch, quảng trường biển, du lịch sinh thái đồng quê để tạo thêm động lực phát triển vùng Đông của huyện” – ông Hùng nói.