Lan tỏa trên fanpage
Ở các hội thi tuyên truyền được ngành, địa phương tổ chức thời gian qua, ngoài điểm số của ban giám khảo, theo thể lệ, kết quả nội dung thi còn phụ thuộc rất nhiều vào số điểm bình chọn từ tổng điểm lượt like và chia sẻ trên fanpage.
Như ở Hội thi “tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024” của Thành ủy Tam Kỳ, điểm phần thi bài viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của đơn vị dự thi là tổng điểm trung bình cộng của các thành viên ban giám khảo và điểm bình chọn online của khán giả trên Fanpage Bàn Thạch.
Ông Phạm Văn Tưởng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tam Kỳ chia sẻ, nhiều đơn vị đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động để có lượng like và chia sẻ lên tới hàng nghìn lượt.
Đây chính là một kênh thông tin rất hữu ích để tuyên truyền, lan tỏa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những tấm gương người tốt, việc tốt nói riêng và chủ trương, chính sách của Đảng nói chung; đồng thời là phương tiện cực kỳ quan trọng để đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
“Điểm nhấn trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Tam Kỳ là việc vận động, tranh thủ ban quản trị trang fanpage có nhiều thành viên tham gia cùng tổ chức tuyên truyền, định hướng dư luận quần chúng nhân dân thông qua việc lan tỏa các thông tin chính thống. Cũng như chia sẻ, đăng tải những bài viết đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên không gian mạng” – ông Tưởng nói.
“Cùng với với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần quan tâm quản lý tốt cán bộ, đảng viên trong ứng xử trên không gian mạng. Việc bày tỏ quan điểm, chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng, dưới dạng “tin đồn” của cán bộ, đảng viên trên không gian mạng phải được xử lý nghiêm theo quy định”.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết
Cách làm của người trẻ
Lần lượt các Câu lạc bộ Đảng viên trẻ được thành lập – không ngoài mong muốn góp sức và nhiệt huyết của tuổi trẻ vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.
Với quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, Tỉnh đoàn Quảng Nam triển khai thực hiện sâu rộng cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt – Mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội, vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên đăng tải, chia sẻ các tin tốt, câu chuyện đẹp trên trang cá nhân, tổ chức mình.
Chị Phạm Thị Thanh – Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam cho hay, phát huy vai trò “Đội dự bị tin cậy của Đảng”, từ năm 2020, Tỉnh đoàn mở chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” trên website Tỉnh đoàn, đã đăng tải hơn 450 bài viết và thu hút lượng truy cập gần 3 triệu lượt/năm.
Tại chuyên mục này, các bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống diễn biến hòa bình, đấu tranh chống luận điệu xuyên tạc được đăng tải hàng tuần.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn mỗi tuần ít nhất có 1 bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được đăng tải trên kênh thông tin của Đoàn cấp huyện.
Đặc biệt, để trang bị kỹ năng, kinh nghiệm giúp đoàn viên thanh niên nhận diện, đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng, Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh tổ chức diễn đàn “Tuổi trẻ Quảng Nam tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng”.
“Hằng năm, tại các cuộc thi chính luận do Học viện Chính trị Quốc gia tổ chức, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo các cấp bộ đoàn trên toàn tỉnh tích cực hưởng ứng. Từ đó, tạo nên đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên thanh niên, đồng thời định hướng cho các Câu lạc bộ Lý luận trẻ đầu tư tham gia nhiều bài thi chất lượng” – chị Thanh chia sẻ.
Xử lý nghiêm việc chia sẻ “tin đồn”
Theo Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, công tác tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp thiết, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, Quảng Nam triển khai xây dựng hệ thống fanpage, group, tài khoản facebook cá nhân phục vụ công tác báo xấu, bóc gỡ các tài khoản có nội dung thông tin xấu độc, xuyên tạc, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng; triển khai các hoạt động đấu tranh phản bác và lan tỏa thông tin tích cực, góp phần phủ xanh không gian mạng.
Đáng chú ý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 56 triển khai thực hiện Quy định số 85, ngày 7/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương về việc “cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội”.
Qua đó, góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng truy cập, theo dõi, chia sẻ và tán phát nội dung thông tin xấu độc từ internet, mạng xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia mạng xã hội.
Trong các hạn chế được nhìn nhận, theo Ban Chỉ đạo 35 tỉnh, một bộ phận người dùng internet, mạng xã hội, nhất là thế hệ trẻ còn thiếu kỹ năng nhận diện, chưa nhận thức và phân biệt rõ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội nên tham gia chia sẻ, bình luận, vô tình tiếp tay cho việc phát tán thông tin.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 35 tỉnh tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao cảnh giác cách mạng, khả năng “tự đề kháng”, “tự miễn dịch” trước các âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động, phần tử xấu. Đồng thời xây dựng mỗi cán bộ, đảng viên và người dùng mạng xã hội trở thành một “chiến sĩ” trên mặt trận mới – không gian mạng.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tao-de-khang-truoc-tin-don-3136865.html