Đa dạng thị trường
Ngày 7/11 vừa qua, Công ty TNHH Tường Vy (Nông Sơn) cùng 8 doanh nghiệp OCOP Quảng Nam được Sở Công Thương tổ chức tham gia chương trình xúc tiến thương mại tại Thái Lan. Sự kiện được xem là cơ hội để doanh nghiệp kết nối đối tác khách hàng tại thị trường láng giềng này.
Bà Hồ Thị Tường Vy – Giám đốc Công ty TNHH Tường Vy cho biết, từ sau chuyến đi một số đối tác đã bắt đầu trao đổi thông tin, tìm hiểu sản phẩm hướng tới ký kết giao thương.
Công ty TNHH Tường Vy chuyên kinh doanh các sản phẩm chế biến từ trầm hương như tượng trầm, nhang trầm, tinh dầu… phần lớn giao dịch trên nền tảng TMĐT. Bên cạnh thị trường trong nước, gần 5 năm nay sản phẩm của doanh nghiệp đã xâm nhập ổn định vào thị trường Trung Quốc với số lượng khá lớn (chiếm gần 20% doanh số bán hàng) của đơn vị.
“Các giao dịch của đơn vị với đối tác khách hàng Trung Quốc hầu hết qua các nền tảng mạng xã hội như zalo, wechat, đây cũng là cách thức phổ biến nhất trong hoạt động TMĐT tại thị trường này” – bà Tường Vy nói.
Với khoảng 90% doanh nghiệp Quảng Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, TMĐT xuyên biên giới được đánh giá là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa hàng ra thị trường quốc tế thuận lợi, tiết giảm chi phí.
Ông Huỳnh Văn Lo – Giám đốc Công ty TNHH xây dựng thương mại phát triển Lê Huỳnh nhìn nhận, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại do Sở Công Thương tổ chức những doanh nghiệp nhỏ như Lê Huỳnh có thể kết nối đối tác hiệu quả. Tại sự kiện quảng bá, xúc tiến thương mại Hàn Quốc vừa diễn ra hồi đầu tháng 9, công ty này đã mang một số mẫu sản phẩm chủ lực của đơn vị như tổ yến sấy khô, nước yến đóng hũ sang giới thiệu. Kết quả bước đầu khá tốt khi các sản phẩm đã được đối tác Hàn Quốc lựa chọn đặt hàng.
Đến nay, bên cạnh thị trường Hàn Quốc, sản phẩm Lê Huỳnh cũng đã xâm nhập vào thị trường Nhật Bản và một số nước Âu, Mỹ…
Tháo gỡ rào cản
Cùng sự bùng nổ của công nghệ số và các nền tảng mạng xã hội, người tiêu dùng cũng dần thay đổi phương thức mua hàng theo hướng chú trọng hơn vào TMĐT. Theo thống kê của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) trong khoảng 5 năm trở lại, tốc độ tăng trưởng TMĐT luôn từ 16-30% mỗi năm. Sản phẩm không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà còn mở rộng ra ngoài nước thông qua hoạt động TMĐT xuyên biên giới.
Tuy vậy, TMĐT xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp nếu muốn xuất hàng theo đường chính ngạch. Ông Trương Đình Kiểm – Công ty TNHH MTV Bảo Ly (Tam Kỳ) cho hay, mặc dù TMĐT xuyên biên giới mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp, giúp đưa hàng vào những thị trường quốc tế hiệu quả, nhưng không hề dễ dàng với những sản phẩm thực phẩm chức năng, dược liệu liên quan đến các vấn đề về an toàn thực phẩm… Sản phẩm của Bảo Ly được chế biến từ sâm và dược liệu như trà, kẹo sâm, mật sâm…
Hiện tại, phương thức bán hàng của Bảo Ly chủ yếu qua các kênh phân phối truyền thống, TMĐT chiếm tỷ trọng chưa lớn. Ông Kiểm cho rằng, nguyên nhân chính bởi sản phẩm dược liệu thường đòi hỏi các giao dịch trực tiếp, nhất là trong tình hình lẫn lộn sâm thật, sâm giả như hiện nay. Doanh nghiệp này đang đặt quyết tâm tạo ra những sản phẩm chế biến sâu, giá mềm hơn, phù hợp xu thế phát triển mạnh mẽ của các hoạt động giao dịch TMĐT.
Các phân tích của Cục TMĐT và Kinh tế số đã chỉ ra 4 rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu qua sàn TMĐT xuyên biên giới, bao gồm rào cản về quy định, kỹ thuật của thị trường nhập khẩu; rào cản về năng lực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ; rào cản về tài chính và rào cản thông tin về những quy định của từng thị trường (thông tin về nhu cầu đối với sản phẩm, những quy định, khung pháp lý…).
Theo ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương, thông thường trước khi triển khai các hoạt động TMĐT xuyên biên giới hầu hết doanh nghiệp phải trực tiếp gặp khách hàng đàm phán về các điều kiện, chọn sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất, vận chuyển hàng hóa…, lấy địa chỉ zalo, mail… Sau khi đạt được thỏa thuận chung sẽ dễ dàng hơn qua kênh TMĐT.
Trong kế hoạch phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 hướng đến mục tiêu tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh TMĐT xuyên biên giới, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã từng bước hoàn thiện các chính sách thể chế, hạ tầng, xây dựng các nền tảng cốt lõi, liên kết vùng TMĐT, hợp tác quốc tế, tuyên truyền đào tạo nhân lực…
Đặc biệt, một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khóa tập huấn, đào tạo về TMĐT xuyên biên giới cũng đã được triển khai đồng bộ, từ đó giúp doanh nghiệp Quảng Nam có cơ hội tiếp cận đối tác, khách hàng hiệu quả, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ra thị trường quốc tế…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tan-dung-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-3144206.html