Phong phú tài nguyên du lịch
Bộ VH-TT&DL vừa ban hành Kế hoạch tổng thể tổ chức điều tra tài nguyên du lịch trên cả nước, dự kiến kéo dài trong 5 năm để có bức tranh tổng quát và cụ thể về dữ liệu tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa.
Qua đó, hướng đến hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch phục vụ cho công tác quản lý, lập quy hoạch, phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các khu, điểm du lịch trên phạm vi cả nước.
Là tỉnh có thế mạnh phát triển du lịch, từ năm 2021 Quảng Nam đã phê duyệt, xác định tỉnh có tới 125 tài nguyên du lịch, trong đó có 58 tài nguyên du lịch tự nhiên và 67 tài nguyên du lịch văn hóa.
Thống kê chỉ ra, tài nguyên du lịch Quảng Nam rải đều khắp các huyện, thị xã, thành phố, hầu như địa phương nào cũng có tài nguyên du lịch.
Có thể thấy, tại các khu vực hiện hữu tài nguyên du lịch, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đã tiến hành các hoạt động khai thác, phát triển du lịch từ lâu nhưng để thực sự là một điểm đến du lịch đặc sắc, thu hút thường xuyên khách nội địa và khách từ địa phương khác đến thì không nhiều.
Đơn cử, với các 58 điểm được xác định là tài nguyên du lịch tự nhiên của Quảng Nam mới chỉ có các điểm ở TP.Hội An, hồ Phú Ninh, quần thể hang Gợp (Đông Giang) cùng một số bãi biển vùng đông là thu hút được lượng khách tương đối lớn, còn lại vẫn bỏ ngỏ tiềm năng.
Trong số này có những điểm đến sở hữu tài nguyên rất đặc sắc đã được đầu tư nhiều nguồn lực cũng như các giải pháp, chính sách thúc đẩy để trở thành điểm đến hấp dẫn trong tương lai như: Bãi Sậy – Sông Đầm (TP.Tam Kỳ), đảo Tam Hải (Núi Thành), khu bảo tồn voọc chà vá chân xám (Tam Mỹ Tây, Núi Thành), đỉnh Bằng Am (Đại Lộc)…
Chờ được khai phá
Dù vậy, du lịch là ngành kinh tế đặc thù, rất cần động lực chính từ các doanh nghiệp để lên ý tưởng, thiết kế sản phẩm khai phá.
Từ năm 2019, Công ty CP Toàn cầu TMS đã đề xuất ý tưởng đầu tư khu phức hợp vui chơi giải trí ở Bằng Am – Khe Tân và có nhiều động thái xúc tiến vấn đề này trong thời điểm xảy ra dịch COVID-19 tuy nhiên đến nay vẫn bất động. Tại đảo Tam Hải vốn được hứa hẹn nhiều dự án nghỉ dưỡng – giải trí đẳng cấp hiện cũng bỏ ngỏ.
Rất nhiều điểm sở hữu tài nguyên du lịch khác đều tích cực chào mời khảo sát, đầu tư nhưng hầu hết sau đó đều không có phản hồi, đặc biệt là tại các huyện miền núi của tỉnh.
Cổng Trời Đông Giang là trường hợp hiếm hoi trên địa bàn tỉnh mà doanh nghiệp đã cam kết đầu tư và hiện thực hóa được tài nguyên du lịch để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn ở vùng cao.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, khó khăn lâu nay trong việc phát triển sản phẩm du lịch của Quảng Nam là rất ít doanh nghiệp có tiềm lực chịu dấn thân để khai thác kho báu tài nguyên du lịch ở vùng cao của địa phương.
Ngoài ra, nhiều điểm đến, cơ quan liên quan ở khu vực phía nam, phía tây của tỉnh cũng chưa mặn mà trong việc cùng sở triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá rộng rãi hình ảnh, sản phẩm đến du khách.
Còn ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, rất cần chú trọng khai phá tài nguyên du lịch theo chiều sâu, nhất là đối với tài nguyên du lịch văn hóa.
Đơn cử, ngay như TP.Hội An những năm qua đã khai thác khá tốt để đưa địa phương trở thành điểm đến hấp dẫn, nhưng thực tế vẫn còn nhiều vỉa tầng văn hóa độc đáo chưa được lồng ghép vào hoạt động du lịch mà nếu khai phá thêm giá trị của ngành sẽ gia tăng rất nhiều.