Phó Giám đốc Sở GTVT – ông Trần Ngọc Thanh cho biết, mục đích của việc ban hành hướng dẫn cụ thể là nhằm tạo điều kiện để các địa phương, tổ chức có nhu cầu đấu nối từ đường nhánh vào quốc lộ (QL) đang khai thác trên địa bàn tỉnh hiểu rõ và thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục bảo đảm đúng quy định pháp luật. Phạm vi của hướng dẫn này bao gồm các thủ tục thuộc trách nhiệm Sở GTVT thực hiện.
Trong đó, xác định và quyết định điểm đấu nối vào 10 tuyến QL hiện hữu trên địa bàn tỉnh. Sở GTVT được giao quản lý 6 tuyến là QL14B, QL14D, QL14E, QL14H, QL24C và QL40B; Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) được giao quản lý 4 tuyến là QL1, QL14G, đường Hồ Chí Minh và đường Trường Sơn Đông.
Chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối; cấp phép thi công nút giao đấu nối vào QL14B, QL14D, QL14E, QL14H, QL24C và QL40B.
Nguyên tắc đấu nối vào QL trước hết phải phù hợp với các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không đấu nối vào đường cao tốc, đường dẫn thuộc phạm vi nút giao của đường cao tốc, đường cao tốc đã được xây dựng phân kỳ đầu tư.
Không đấu nối trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cầu, hầm đường bộ, cầu phao đường bộ, bến phà đường bộ; không đấu nối, sử dụng chung nút giao đường sắt với QL.
Không đấu nối vào tuyến, đoạn tuyến QL đã được quy hoạch là đường cao tốc trừ trường hợp đặc biệt là dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án thuộc lĩnh vực giao thông nhóm B và nhóm C (theo quy định của Luật Đầu tư công). Các trường hợp này sẽ được kết nối vào đường gom, đường bên khi tuyến, đoạn tuyến QL được xây dựng, hoàn thiện theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Trình tự các bước thực hiện đấu nối vào QL, bao gồm xác định và quyết định điểm đấu nối vào QL; chấp thuận thiết kế và phương án tổ chức giao thông nút giao đấu nối vào QL; cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ; nghiệm thu, chấp thuận đưa vào khai thác, sử dụng nút đấu nối; bảo hành, bảo trì nút đấu nối…