MỘT GV PHẢI “ÔM” NHIỀU MÔN
Cuối năm 2023, TX.Điện Bàn (Quảng Nam) tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục nhưng kết quả không như mong muốn. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển dụng là 311 song địa phương chỉ tuyển được 227 người, trong đó giáo viên (GV) tiểu học chỉ tuyển được hơn một nửa chỉ tiêu (131/245).
Việc tuyển dụng GV ở miền núi càng khó khăn hơn. Toàn H.Nam Trà My có 877 biên chế, nhưng hiện còn thiếu hơn 300 GV. Địa phương đã nhiều lần tuyển dụng cũng như “đỏ mắt” tìm GV hợp đồng để lấp khoảng trống nhưng vẫn không được.
Ông Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai (H.Nam Trà My), cho biết hầu hết các trường học trên địa bàn huyện đều “chung số phận” và kéo dài nhiều năm nay. Năm học mới sắp đến nhưng trường vẫn đang thiếu tới 7 GV ở nhiều bộ môn như: tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc, địa lý… Việc này đã gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong việc dạy và học vì một GV phải “ôm” nhiều môn.
CẦN CHÍNH SÁCH ĐÀO TẠO GV NGƯỜI ĐỊA PHƯƠNG TẠI CHỖ
Ông Điệp tính toán hằng năm có khoảng 60% học sinh miền núi thi đậu vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, khi ra trường các em này không được xét tuyển mà phải cạnh tranh qua thi tuyển. Có thể nói việc thi tuyển để cạnh tranh vào suất biên chế với các em miền núi là chuyện rất khó khăn. Vì vậy, nhiều học sinh miền núi phải làm trái ngành, trong khi giáo dục miền núi lại rất cần GV người địa phương tại chỗ.
Để giữ chân GV gắn bó lâu dài với các địa phương miền núi thì tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với GV biên chế cũng như GV dạy hợp đồng. “Với con em miền núi đã dạy hợp đồng nhiều năm thì tỉnh cần phải cho địa phương có cơ chế, kế hoạch nhằm xét tuyển vào biên chế thay vì thi như hiện nay để họ yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngành giáo dục ở miền núi”, ông Điệp kiến nghị.
Theo ông Điệp, năm nào số lượng sinh viên sư phạm ra trường cũng đông, phải loay hoay tìm việc. Trong khi nhiều địa phương lại thiếu GV giảng dạy thì đây là một nghịch lý. “Để các địa phương miền núi không còn kéo dài tình trạng thiếu hụt GV, về lâu dài cần phải có chính sách đào tạo GV người địa phương tại chỗ để bù vào “khoảng trống” thiếu GV trầm trọng như hiện nay”, ông Điệp đề xuất.
Ông Nguyễn Đăng Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT H.Nam Trà My, cũng thông tin nhiều năm qua, huyện liên tục tuyển dụng song không đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn Thế Phước, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, thừa nhận chưa năm học nào Nam Trà My tuyển đủ chỉ tiêu GV và nhân viên. Năm học 2023 – 2024, toàn huyện thiếu 281 GV và nhân viên của các trường. “Chuyện này huyện đã kiến nghị rất nhiều lần đến Sở GD-ĐT, UBND tỉnh nhưng vẫn chưa cải thiện được. H.Nam Trà My cũng không biết làm thế nào để khắc phục tình trạng này”, ông Phước nói.
Ông Phước cho rằng một trong những nguyên nhân là chính sách thu hút GV đến làm việc tại các huyện miền núi chưa đủ hấp dẫn. Về việc cử tuyển, những năm gần đây, Nam Trà My rất ít người tại chỗ đi học dù huyện và nhà trường động viên, tạo điều kiện để các em học THPT đăng ký. Huyện đã nhiều lần kiến nghị tỉnh cần tính toán cơ chế, chính sách thu hút GV đến với các huyện miền núi cho phù hợp. “Nếu không sớm có chính sách đặc thù dành riêng để thu hút GV nói riêng và nhân lực nói chung về công tác tại các huyện miền núi, thì sẽ khó nói đến chuyện giải quyết bài toán thiếu GV, thiếu cán bộ đang kéo dài và ngày càng thiếu ở Nam Trà My”, ông Phước nói.