Với những ưu đãi về điều kiện thiên nhiên, đặc biệt là thổ nhưỡng và khí hậu nên xứ Quảng được xem là vùng đất trù phú, giàu có sản vật cả trên nguồn lẫn dưới biển, có nhiều loại hương liệu, thổ sản quý, giá trị thương phẩm cao, được học giả Lê Quý Đôn nhắc đến trong Phủ biên tạp lục.
Sự dồi dào, giàu có về sản vật của Quảng Nam cùng chính sách mở cửa giao thương của các chúa Nguyễn đã thúc đẩy Hội An phát triển thành cảng thị mậu dịch quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực vào thời Trung đại. Thương cảng Hội An trở thành nơi hội tụ sản vật của cả Quảng Nam, Đàng Trong để lan tỏa ra khắp thế giới.
Để nhận diện và làm rõ hơn nguồn hàng hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam trong hoạt động thương mại quốc tế và vai trò của cảng thị Hội An trong con đường giao thương của mặt hàng này, được sự thống nhất chủ trương của UBND thành phố Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Văn hóa Hội An sẽ biên soạn và xuất bản tập sách với tiêu đề “Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam”. Nội dung của tập sách dự kiến có 2 phần chính là hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam trong lịch sử; việc bảo tồn và phát triển giá trị hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam hiện nay.
Việc biên soạn và xuất bản tập sách Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam là một trong chuỗi các hoạt động thành phố Hội An tổ chức nhằm chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11) và kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 – 4/12/2024).
Dự kiến tập sách sẽ được giới thiệu và phát hành nhân sự kiện thành phố Hội An khai trương Bảo tàng hương liệu, thổ sản Hội An vào cuối tháng 11/2024.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/se-xuat-ban-an-pham-ve-huong-lieu-tho-san-hoi-an-quang-nam-3142798.html