BÀI 1: NHỮNG NGƯỜI NGƯỢC KHÓ
Người lính ở thời bình đã bao phen ngược khó, đối mặt với gian khổ và hiểm nguy trước thiên tai, dịch bệnh…, kịp thời có mặt, sát cánh cùng nhân dân theo mệnh lệnh trái tim và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “trung với Đảng, hiếu với dân”…
Tuyến đầu chống dịch
“Bình thường mới”, là khi nhịp sống đã quay về yên ả, không còn những ám ảnh, lo lắng như những ngày dịch bệnh COVID-19 bủa vây khắp từng khu dân cư, từng xóm làng miền xuôi lên miền ngược.
Nhưng ký ức của những ngày căng mình chống dịch hẳn vẫn còn hằn sâu trong trí nhớ của rất nhiều cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, biên phòng, lực lượng xung kích nơi tuyến đầu.
Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với Đại úy Nguyễn Hồng Trung – cán bộ Công an xã Trà Kót (Bắc Trà My) sau thời gian anh được luân chuyển về cơ sở công tác.
Khi Quảng Nam lập những chốt chặn COVID-19 đầu tiên trên tuyến quốc lộ 1, Nguyễn Hồng Trung là một trong những cán bộ chiến sĩ lực lượng công an có mặt ở chốt kiểm soát đặt tại nút giao cầu vượt hai tầng Chu Lai, một trong 71 chốt kiểm soát y tế được lập từ tháng 4/2020, khi dịch bệnh bước vào giai đoạn căng thẳng nhất.
Nhiều đêm trắng, anh cùng đồng đội đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh rất cao khi tiếp đón và sàng lọc thông tin cho hàng nghìn lượt phương tiện di chuyển qua địa bàn mỗi ngày.
Phơi mình dưới nắng nóng, ngày cũng như đêm, anh lặng lẽ cùng đồng đội dốc sức vì nhiệm vụ, quên đi nỗi lo, quên đi mệt mỏi của những ca trực kéo dài 8 tiếng đồng hồ, không phút ngơi nghỉ.
Hàng trăm khu cách ly dã chiến được lập ở trường học, nhà cộng đồng, trạm y tế… Phục vụ trong khu cách ly, từng ngày tiếp xúc với “F0, F1, F2”, cán bộ chiến sĩ của các lực lượng cũng lần lượt điền tên mình trong danh sách dài dằng dặc những người không may lây nhiễm COVID-19. Nhưng các chốt gác đã vững vàng, góp phần làm nên kỳ tích khi cùng cả nước nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Sau cao điểm chống dịch, vừa nhận quân hàm Thượng úy, Nguyễn Hồng Trung được điều động về xã Trà Kót (Bắc Trà My) theo đề án đưa công an chính quy về xã.
Chỗ sinh hoạt tạm bợ, phải ở nhờ trong khu tập thể của một trường học, anh cùng đồng đội bắt đầu công việc với nhiều áp lực mới. Vừa bắt đầu vào guồng thì bão lũ ập tới. Chúng tôi lại thấy anh có mặt tại hiện trường vụ sạt lở xảy ra ở xã Trà Tân, vật lộn với đống bùn đất để kiếm tìm người dân không may bị lấp vùi.
Tiếp sau này, anh Trung tất tả ngược xuôi với chiến dịch cấp căn cước công dân, định danh điện tử trong Đề án 06, nỗ lực đưa “đời sống số” về với đồng bào vùng cao.
“May mắn được công tác trong màu áo lực lượng, được cấp trên điều động tăng cường về xã, tâm thế của tôi là lúc nào cũng sẵn sàng vì nhiệm vụ được giao. Cấp trên có tin tưởng mình thì mới giao việc, người dân cần mới liên lạc, thông báo với mình.
Tôi đã trải qua những khoảnh khắc quá đặc biệt, vất vả có, nguy hiểm cũng có, nhưng rất vui vì ở vị trí nào, việc gì, mình cũng đều hoàn thành tốt” – Đại úy Nguyễn Hồng Trung chia sẻ.
Đồng bằng đã khó, ở thăm thẳm phía biên giới, các chốt gác của lực lượng biên phòng càng vất vả hơn. Nhưng những “lá chắn sống” ở phía biên giới ấy đã “vượt nắng, thắng mưa” cùng quê hương xứ Quảng đi qua thời khắc gian khó nhất.
Có những chốt gác nằm sâu trong núi, cán bộ chiến sĩ hàng tháng ròng sống kham khổ, nhưng không một ai rời bỏ vị trí. Người lính ở thời nào cũng thế, sẵn sàng lên đường bất kể đến đâu, đối mặt với gian khó như thế nào đi nữa. Lên đường, tất cả vì nhiệm vụ.
Dựng lại nhà, tìm lại người
Những đợt mưa lớn đầu tiên đổ xuống, báo hiệu mùa mưa bão đang đến. Thôn An Thiện, An Thọ (xã Tam An, Phú Ninh) tiếp tục ngập sâu do ảnh hưởng của mưa lụt. Cán bộ công an xã, dân quân, tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cùng nhau túc trực, chốt chặn ở các điểm ngập sâu để cảnh báo người và phương tiện. Những hộ dân ở các khu vực ngập sâu, nguy hiểm đều đã được sơ tán từ trước đó đến nơi an toàn.
Sự chủ động của lực lượng tại chỗ trở thành điểm tựa trong phòng chống thiên tai. Đầu tháng 9/2024 vừa qua, Công an xã Tam An, tổ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở cùng hội chữ thập đỏ, chính quyền địa phương xã triển khai cuộc diễn tập phòng chống thiên tai với sự tham gia của đông đảo người dân.
Năng lực xử lý tình huống, triển khai các giải pháp ứng phó được nâng lên, giúp tăng cường khả năng phối hợp đồng bộ khi có mưa bão, lũ lụt, hướng tới mục tiêu tiên quyết: đảm bảo an toàn cho người dân trong mọi tình huống.
Thiếu tá Lê Tuấn Phương – Trưởng Công an xã Tam An chia sẻ, lực lượng công an xã đã quen với địa bàn, thông thuộc từng nóc nhà, từng ngõ hẻm.
“Mùa mưa lũ nào chúng tôi cũng đều túc trực xuyên suốt, cử lực lượng xuống cơ sở cùng người dân triển khai sơ tán dân, đảm bảo hậu cần, bảo vệ tài sản của người dân. An toàn cho từng người, từng nhà là mệnh lệnh trên hết, là yêu cầu lớn nhất, làm được gì để lo cho bà con, chúng tôi đều nỗ lực hết mình” – Thiếu tá Lê Tuấn Phương chia sẻ.
Tại xã Phước Lộc (Phước Sơn), màu xanh đã trở lại sau đổ nát thiên tai nhưng người dân nơi đây vẫn nhớ như in khoảnh khắc lũ quét ập xuống vùng cao, xóa sổ nhiều ngôi nhà, chặn đứt các tuyến đường vào xã. Họ nhắc, nếu không có mệnh lệnh sơ tán, di dời 33 hộ dân đến trụ sở UBND xã Phước Lộc những ngày mưa trắng trời trước bão, có lẽ con số thương vong sẽ còn lớn hơn nhiều so với những gì đã xảy ra…
Người lính, mang trên mình màu áo xanh quân đội đã là lực lượng đầu tiên đạp lên đá núi, cắt rừng, băng suối lũ để đến với đồng bào trong thiên tai. Thượng tá Nguyễn Trung Kiên – Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn kể lại, mọi thứ diễn biến quá nhanh, không theo một kịch bản nào được dự lường trước đó và cũng không thể hình dung được mức độ tàn phá khủng khiếp do mưa bão gây ra.
Công tác cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai được từng bước tính toán khẩn trương, bài bản ngay sau đó. Hơn 37 tấn lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, gần 1.000 lít xăng dầu được đưa vào vùng cô lập.
Hai trăm công nhân thủy điện Đăk Mi 2 bị mắc kẹt cũng được giải cứu an toàn… Bộ đội về dựng lán, nấu ăn cho dân, lội bùn, vật lộn với đống cây rừng khổng lồ sau lũ quét để tìm người mất tích…
Có hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, biên phòng… đã cùng ăn, cùng ở, cùng sẻ chia hoạn nạn với người dân, sau bao đợt bão lũ đổ xuống xứ Quảng nhiều năm qua.
Nơi họ đến, vẫn còn bao đổ nát chưa kịp dựng lại nhưng hơn hết đã ươm màu xanh hy vọng. Còn hy vọng là còn sống, còn dựng lại nhà, tìm lại người, để xanh lại những vạt rừng, ấm lại căn bếp trong từng căn nhà mới…
_______
Bài 2: Chan chứa tình “cha – con” biên phòng
Nguồn: https://baoquangnam.vn/sat-son-tinh-quan-dan-bai-1-nhung-nguoi-nguoc-kho-3142700.html