Cử tri đồng thuận cao
Sau khi có kết quả lấy ý kiến cử tri đối với nội dung dự thảo đề án sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn, với tỷ lệ đồng ý 97,05%, HĐND 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nông Sơn đã họp, thông qua nghị quyết tán thành chủ trương và thống nhất các nội dung của đề án.
Đối với đề án sáp nhập xã Quế Lộc và Sơn Viên do UBND huyện Nông Sơn xây dựng cũng nhận được tỷ lệ đồng tình cao của cử tri hai xã (hơn 98%). HĐND hai xã đã họp, thông qua nghị quyết tán thành chủ trương sáp nhập xã Quế Lộc và Sơn Viên.
Từ cơ sở nêu trên, ngày 17/6, HĐND huyện Nông Sơn họp thống nhất thông qua nghị quyết về chủ trương sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn để thành lập huyện Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam; thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 – 2025.
Nhìn lại quá trình triển khai các nhiệm vụ liên quan đến sắp xếp ĐVHC trên địa bàn, theo UBND huyện Nông Sơn, chỉ trong thời gian ngắn, cả hệ thống chính trị địa phương đã cùng vào cuộc, triển khai thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn hiểu rõ lý do, sự cần thiết phải sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, từ đó tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, UBND huyện giao Phòng VH-TT huyện tập trung thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh thông tin nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Trung tâm VH-TT&TT-TT huyện phối hợp với các đơn vị, địa phương xây dựng chuyên mục phát thanh để tuyên truyền về mục đích, yêu cầu và sự cần thiết về việc sắp xếp ĐVHC trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 – 2025.
UBND các xã, thị trấn cũng đã tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau về những nội dung cơ bản trong đề án sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn tại các địa bàn dân cư, tuyên truyền thông qua các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook…
Cùng với công tác tuyên truyền, ngay từ sớm, Nông Sơn tập trung chuẩn bị chu đáo các điều kiện lấy ý kiến cử tri đối với dự thảo đề án theo hình thức tập trung tại nhà văn hóa thôn, tạo không khí phấn khởi, sôi nổi trong cử tri địa phương về thực hiện quyền của mình đối với chủ trương sắp xếp ĐVHC.
Ông Quảng Văn Ngọc – Bí thư Huyện ủy Nông Sơn chia sẻ, các đồng chí Huyện ủy viên được phân công phụ trách các thôn, tổ dân phố trực tiếp tham gia xuyên suốt hội nghị lấy ý kiến cử tri do UBND xã, thị trấn tổ chức theo địa bàn phụ trách, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; vận động, tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc lấy ý kiến cử tri.
Phương án kiện toàn tổ chức bộ máy
Tại đề án sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn, UBND tỉnh đã có đánh giá đầy đủ về các tác động, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và giải pháp khi thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện.
Đáng chú ý, trong phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau khi sáp nhập huyện Nông Sơn và huyện Quế Sơn để thành lập huyện Quế Sơn, đề án nêu rõ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ huyện mới trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng Đảng bộ huyện Quế Sơn và Đảng bộ huyện Nông Sơn.
Nhiệm kỳ đầu tiên của Đảng bộ huyện mới là nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, các phó bí thư huyện ủy mới theo quy định Điều lệ Đảng.
Ban thường vụ cấp ủy huyện mới xây dựng đề án, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị ở ĐVHC cấp huyện mới thành lập trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất nguyên trạng các cơ quan, đơn vị tương ứng ở ĐVHC cấp huyện trước khi sắp xếp.
Sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, UBND tỉnh cho biết, số lượng cán bộ dôi dư khá lớn; trong đó số cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư 352 người (gồm 44 cán bộ, công chức ở khối đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội cấp huyện; 70 cán bộ, công 38 chức, viên chức thuộc UBND cấp huyện, 40 viên chức sự nghiệp y tế; 142 cán bộ, công chức cấp xã và 56 người hoạt động không chuyên trách cấp xã).
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, phần lớn tuổi đời của cán bộ, công chức đang còn trẻ, khung vị trí việc làm tại các xã, phòng, ban cấp huyện của các cơ quan, đơn vị, địa phương nói chung và các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện sắp xếp cơ bản đã bố trí đủ số lượng theo quy định. Vì vậy gặp nhiều khó khăn trong việc tái bố trí, sắp xếp lại cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư.
Mặt khác, chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã khi thôi việc chưa đảm bảo cuộc sống hay bắt đầu công việc khác, đây là khó khăn trong chính sách công tác cán bộ sau sắp xếp…
Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho rằng, trăn trở nhất của huyện là việc giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã. Nhiều người đã gắn với phong trào cơ sở gần hai mươi năm, lương ít, việc nhiều, muốn phấn đấu vào công chức cấp xã, nhưng nay không được do sắp xếp ĐVHC.
Mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 37 ngày 29/12/2023 của HĐND tỉnh chưa tương xứng so với cống hiến của họ. “Theo tôi, tỉnh và Trung ương cần quan tâm có cơ chế thêm hỗ trợ cho đối tượng này” – ông Hòa nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-tai-quang-nam-nhin-tu-nong-son-3136649.html