Sản phẩm đặc thù
Trên cánh đồng lúa xanh tốt tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An, một doanh nghiệp địa phương đã thuê ruộng, sau đó đóng cọc tre dựng cầu, dựng sạp trên lúa và mời nghệ nhân của các làng nghề và nông dân địa phương cùng tái hiện khung cảnh rộn ràng của một phiên chợ làng quê Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Du khách háo hức với nhịp sống thanh bình của người nông dân và quang cảnh vui nhộn của lễ hội với đầy đủ thức ngon, vật lạ và cả những những phong tục, tập quán, thú vui của cộng đồng. Và du khách quốc tế đã sẵn sàng trả hơn 1.000 USD mỗi người cho bữa tiệc trên đồng ruộng như thế.
Ông Phan Xuân Thanh – Giám đốc EMIC – Hospitaly Hội An, đơn vị tổ chức sản phẩm văn hóa du lịch mang tên “The Field – Cánh đồng”, cho biết: “Thật sự là du khách khi đến bất cứ một vùng nào họ đều muốn tìm hiểu văn hóa của vùng địa phương đó, quan trọng nhất xu hướng chung người ta tìm hiểu văn hóa sống của người bản địa. Thứ hai, đối với dòng khách cao cấp, văn minh, người ta cũng có xu hướng là dùng dịch vụ, sản phẩm đó có sự tương tác, chia sẻ được lợi ích cho người nông dân”.
Từ tháng 3/2013 đến nay, Công ty EMIC – Hospitaly đã tổ chức nhiều sự kiện như vậy, doanh thu trung bình từ 2,4 tỷ đến 3 tỷ đồng/1 đoàn 100 người, bình quân giá mỗi khách là 1.100 USD. Sau khi tổ chức xong sự kiện, doanh nghiệp trả lại ruộng cho người nông dân có thể thu hoạch bình thường.
Rõ ràng, đây là cách làm sáng tạo mới lạ, vừa phục hồi văn hóa sống của người nông dân, thu được dịch vụ cao từ cây lúa mà không chiếm đất đai, vừa tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm và tìm kiếm phiên bản gốc của văn hóa bản địa.
Hơn 25 năm trước đến nay, những chiếc đèn lồng phố cổ, những bộ trang phục “may nhanh” bán qua mạng internet, những bữa tiệc “buffer gánh” dân dã mà sang trọng, những “Đêm phố cổ”, những “Phố đi bộ” độc đáo và riêng có đã và đang làm nên thương hiệu cho văn hóa du lịch Hội An. Những sản phẩm này từng được mang ra các tỉnh thành trong cả nước và qua các nước châu Âu, châu Á, minh chứng cho sức sáng tạo không ngừng của cộng đồng cư dân Hội An.
Ông Võ Phùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, “Đêm phố cổ” đã trở thành thương hiệu của du lịch văn hóa Hội An, sản phẩm đã phục vụ cho các sự kiện Hội nghị Bộ trưởng APEC, Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Hoàn vũ, giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản, Liên hoan hợp xướng quốc tế…; giới thiệu với công chúng cả nước và quốc tế. Riêng hơn “Đêm phố cổ” thu nhỏ đã phục vụ hơn cả chục ngàn lượt khách Pháp, Nhật, Úc, Anh, Nga…
“Thống kê cho thấy, hằng tháng thời điểm diễn ra “Đêm phố cổ” thì lượng khách lưu trú tại các khách sạn trên địa bàn tăng hơn 262%, đó là chưa kể lượt khách tăng đột biến tại các địa phương phụ cận, nhất là từ thành phố Đà Nẵng; các huyện bạn ở Quảng Nam” – ông Phùng nói.
Bản sắc Hội An
Ngay từ tháng 8/2014, TP.Hội An đã có chương trình cụ thể với những cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển.
Các ngành chức năng tổ chức nghiên cứu đặc trưng văn hóa Hội An, hệ thống hóa những giá trị văn hóa tiêu biểu đồng thời khám phá những yếu tố độc đáo, những điều kiện ưu trội để đầu tư nâng chất lượng, tạo thành những sản phẩm văn hóa – du lịch mới, mang bản sắc Hội An.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Những sản phẩm văn hóa du lịch của Hội An bắt nguồn từ nền tảng là những giá trị truyền thống, tuy nhiên nó vẫn có những chất hiện đại đồng thời có những sự sáng tạo mới để bồi đắp thêm những giá trị đó. Nhiều năm qua, những sản phẩm văn hóa du lịch Hội An tại chỗ cũng như là giao lưu, hội nhập với bên ngoài thì trong cái chung của bản sắc dân tộc, Hội An vẫn có những nét đặc thù”.
Hiện thành phố cũng đang tiếp thực hiện “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ; từng bước tăng cường công tác quản lý về văn hóa, thể chế hóa các quy định, mở đường cho văn hóa phát triển theo hướng hiện đại. Các cấp, các ngành đồng bộ thực hiện các vấn đề liên quan như quyền tác giả, chính sách đãi ngộ những người sáng tạo văn hóa, tuyển chọn, đào tạo lại cán bộ văn hóa…
Một mặt, thành phố đã có chủ trương tăng mức đầu tư cho văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế, hàng năm trích 1% tổng chi ngân sách thường xuyên để thực hiện đề án xây dựng Hội An – Thành phố văn hóa. Mặt khác, Hội An đang đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư và khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp văn hóa, cùng với đó là có cơ chế, ngân sách đầu tư dài hạn.
“Phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm văn hóa. Chúng tôi quan niệm là nên đi tìm một hướng mới cho Hội An dựa trên cái chúng ta có kinh nghiệm, đặc biệt, vừa giao lưu với nước ngoài vừa chú trọng xuất khẩu tại chỗ, hội nhập tại chỗ. Bằng chứng là thời gian qua chúng ta làm rất tốt cái này, rất nhiều đoàn nghệ thuật của Hội An đi các nơi, nhiều đoàn của các nước, kể cả châu Á, châu Âu, ASEAN… đã về Hội An để giao lưu. Thành phố cũng vừa gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu, đó là nguồn lực để chúng ta phát triển theo hướng công nghiệp văn hóa” – ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/san-pham-cong-nghiep-van-hoa-o-hoi-an-3145969.html