Di sản tư liệu đặc biệt
Sắc phong là bộ phận di sản tư liệu đặc biệt, do Hoàng đế – người đứng đầu triều đình phong kiến phong/ban tặng cho các vị thần và người có công…
Tại Duy Xuyên, hầu hết sắc phong được thờ tự, bảo quản ở đình, lăng, miếu; sắc phong cho người có công được bảo quản, lưu giữ ở nhà thờ tộc họ hoặc tại các gia đình.
“Quảng Nam xã chí” và “Quảng Nam tỉnh tạp biên” được xem là nguồn tư liệu tham khảo có giá trị để tìm hiểu vùng đất và con người Quảng Nam, đặc biệt là ghi chép về các sắc phong trong các làng xã ở Duy Xuyên.
Đây là 2 tập tư liệu do Viện Viễn Đông bác cổ và Hội Văn hóa dân gian Đông Dương thực hiện vào nửa đầu thế kỷ 20, ghi chép về các làng xã ở Duy Xuyên nói riêng, Quảng Nam nói chung. Hiện bản sao hai tập này được lưu ở Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An.
Trong tổng số 700 đạo sắc của huyện Duy Xuyên, có 660 sắc phong thần kỳ, 40 sắc phong nhân vật. Trong đó, làng có sắc phong nhiều nhất là làng Mỹ Xuyên Đông, làng ít sắc phong nhất là Quảng Đại, riêng làng Trà Nhiêu Đông theo tư liệu cho biết do mới thành lập xã hiệu vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) nên chưa có khai báo về số lượng sắc phong của làng.
Điều đáng chú ý, các làng xã, tộc họ, gia đình ở Duy Xuyên hiện lưu giữ và bảo quản tốt nguồn tư liệu sắc phong. Tiêu biểu có làng Mỹ Xuyên Đông lưu giữ 32 sắc phong (gồm 26 sắc phong còn rõ nội dung, 6 sắc phong bị hư nát không còn nguyên vẹn). Qua đó cho thấy, vấn đề bảo quản, gìn giữ di sản tư liệu này của các thế hệ cha ông rất đáng trân quý.
Dựng lại hành trình vùng đất
Về niên đại, các sắc phong thần tại làng xã ở Duy Xuyên đều thuộc thời Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Trong đó, sắc phong thần có niên đại sớm nhất là năm Minh Mạng thứ 5 (1824) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924).
Đối với sắc phong nhân vật, sắc phong có niên đại sớm nhất là năm Gia Long thứ 3 (1802) và sắc phong có niên đại muộn nhất là vào năm Bảo Đại thứ 7 (1932).
Về đối tượng, nếu các sắc phong thần được thờ tự trong các làng xã gồm có Bạch Mã Thái Giám, Thành Hoàng, Đại Càn Quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương, Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân, Thiên Y A Na… thì với sắc phong nhân vật, hầu hết là quan lại 2 ban văn võ triều Nguyễn.
Sắc phong ở Duy Xuyên là một loại tư liệu đặc biệt có giá trị về nhiều phương diện. Chúng là những tư liệu gốc, quý giá, chứa đựng nhiều thông tin chính xác, chân thực về tổ chức bộ máy chính quyền triều Nguyễn.
Các sắc phong thần có giá trị để xác định việc thực hành tín ngưỡng ở các cộng đồng làng xã, hành trạng các nhân vật có đóng góp cho địa phương, đất nước, về truyền thống học hành, khoa bảng, quan trường, nghề nghiệp của các làng xã, tộc họ…
Ngoài ra, các sắc phong này còn là nguồn tư liệu quý để nghiên cứu về kỹ thuật chế tác và nghệ thuật trang trí trên giấy truyền thống, văn phong, thư pháp thể hiện… dưới thời các vua nhà Nguyễn.
Các sắc phong được lưu giữ tại làng Mỹ Xuyên Đông sẽ giúp ích để huyện Duy Xuyên có kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học từ nguồn tư liệu này, góp phần dựng lại hành trình vùng đất bắt đầu từ câu chuyện của những sắc phong.
Duy Xuyên là vùng đất chứa đựng kho tàng di sản Hán – Nôm về dòng họ, làng xã
Tại Duy Xuyên, chúng tôi tiếp cận 19 địa điểm hiện còn lưu giữ các tư liệu Hán – Nôm ở các xã Duy Vinh, Duy Trung, Duy Sơn, Duy Trinh, thị trấn Nam Phước với 410 đầu mục văn bản các loại, trong đó nhiều nhất là tộc Đoàn (Duy Trinh) lưu giữ 91 đầu mục. 410 đầu mục này phân loại thành 15 loại hình tư liệu, trong đó gần một nửa số lượng văn bản là sắc phong, thị, trát, bằng cấp, gia phổ, phó ý. Những văn bản này mang tầm quan trọng đối với sự xác định chủ quyền, đánh dấu các giai đoạn phát triển, sự vinh hiển của các dòng họ.
Giá trị di sản Hán – Nôm cho chúng ta cái nhìn khá toàn diện về sự phát triển của vùng đất Duy Xuyên từ khi người Việt di cư đến vào cuối thế kỷ 15 đến nay. Hiện tư liệu này phân tán và ngày càng xuống cấp trầm trọng, thiết nghĩ cần có biện pháp thích hợp nhằm phục hồi và bảo quản tốt nguồn tư liệu quý giá này; chính quyền địa phương cần hỗ trợ một hành lang pháp lý cùng chiến lược dài hơn để tiến hành tư liệu hóa di sản Hán – Nôm ở các làng xã nhằm bảo tồn và khai thác một cách bền vững di sản này trong tương lai.
(Nghiên cứu sinh Lê Thọ Quốc – Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế)
Nguồn: https://baoquangnam.vn/sac-phong-o-duy-xuyen-3139387.html