Không phải chờ đợi đến Quy hoạch tỉnh dược phê duyệt, từ hai năm trước, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo địa phương (ngày 27/3/2022), Quảng Nam đã đề xuất và được Thủ tướng chấp thuận, ủng hộ nhiều chủ trương lớn.
Thủ tướng đánh giá: “Quảng Nam có vai trò, vị trí quan trọng và nhiều tiềm năng, thế mạnh, “dư địa” để phát triển nhanh và bền vững”. Vì thế, những đề xuất của tỉnh được Thủ tướng đồng ý, là những lối mở đầy triển vọng cho địa phương.
Loay hoay trong chiếc áo chật
Xác định tầm quan trọng và cơ hội từ những quyết sách của Thủ tướng, UBND tỉnh đã nhanh chóng phối hợp cùng các cơ quan tư vấn, bộ, ngành, doanh nghiệp triển khai xây dựng các đề án, dự án trình Chính phủ.
Thế nhưng, đến thời điểm này, ngoài dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E đang triển khai (khởi công năm 2023, dự kiến hoàn thành năm 2025), thì các đề án, dự án khác vẫn trong giai đoạn… thủ tục.
Nhiều vướng mắc phát sinh khiến phần lớn các nội dung trong kết luận của Thủ tướng không đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Thông tin mới nhất từ UBND tỉnh, hiện chỉ có Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An và Đề án phát triển, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực đã hoàn chỉnh, đang chờ thẩm định, phê duyệt.
Những đề án còn lại, có cái đang trong giai đoạn tiếp tục bổ sung, điều chỉnh sau khi có ý kiến góp ý từ các bộ, ngành (Đề án xã hội hóa đầu tư Cảng hàng không Chu Lai); có cái phải chờ đợi khi quy hoạch chuyên ngành quốc gia chưa được duyệt (Đề án mở mới luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn).
Và có những cái đang hoặc chưa thể triển khai xây dựng vì đang vướng luật, quy hoạch tỉnh, thậm chí lúng túng trong việc xác định cơ quan chủ trì xây dựng.
Trong khi chậm hoàn thành các đề án, dự án đã được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, việc thu hút các nguồn đầu tư ngoài nhà nước để phát triển sản xuất kinh doanh những năm qua cơ bản vẫn giậm chân tại chỗ.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ách tắc kéo dài. Chưa kể, quá trình khắc phục những “tồn tại lịch sử” trong rất nhiều dự án bất động sản mà các cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra là những nguyên nhân chủ yếu khiến môi trường đầu tư Quảng Nam suy giảm. Nhiều nhà đầu tư dù rất quyết tâm, song vẫn không thể… chờ đợi quá lâu.
Quảng Nam chưa thể khơi thông mạch nguồn phát triển từ tiềm năng, lợi thế quan trọng của địa phương bởi thiếu những “cú hích”. Đó là cơ chế chính sách và nguồn lực chưa thông suốt, xã hội hóa đầu tư khó khăn, ngân sách địa phương eo hẹp khi phụ thuộc nhiều vào sự đóng góp của Tập đoàn Trường Hải. Nói cách khác, chưa thể tạo ra những động lực mới trong chiếc áo chật.
Triển vọng tăng tốc
Và lối mở đã thấy. Khi Quốc hội ban hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản mới thì những kiến nghị, đề xuất của Quảng Nam tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ cách đây hai năm về vướng mắc trên lĩnh vực đất đai, cơ bản được giải quyết.
Ví như, Luật Đất đai 2024 có nội dung bổ sung, sửa đổi điều khoản của Luật Lâm nghiệp về cho thuê dịch vụ môi trường rừng – là một trong những nội dung Quảng Nam đang vướng lâu nay. Như vậy, một trong những “điểm nghẽn” lớn đã được khai thông.
Kết luận số 72-KL/TW, ngày 23/2/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, xác định quan điểm chỉ đạo “tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, khu vực và quốc tế”; thực hiện chủ trương “đầu tư công – quản trị tư; đầu tư – sử dụng công”; “nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách rút ngắn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tách dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư theo quy hoạch”;…
Kinh tế đất nước cũng đang trên đà phục hồi và tăng tốc sau đại dịch COVID-19. Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng của dòng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Một số tỉnh, thành phố đã sớm nắm bắt và tranh thủ thời cơ.
Sau cú bứt phá ngoạn mục khi thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai của hơn 20 năm trước, đây là những cơ hội vàng để Quảng Nam một lần nữa bứt phá.
Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt đã định hình rõ nét vị thế, tiềm năng, nhu cầu đầu tư, khai thông các không gian, các trục phát triển, trung tâm sản xuất – dịch vụ cấp vùng, quốc gia và khu vực.
Nguồn lực lớn từ ngân sách trung ương sẽ đến với các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi và các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy hoạch cũng như các quyết sách của Quốc hội, Chính phủ.
Nguồn lực xã hội qua cơ chế hợp tác công tư để phát triển mạnh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay đang đứng trước cơ hội khai thông khi Trung ương đã đồng ý chủ trương xã hội hóa đầu tư Cảng hàng không Chu Lai, Cảng biển Quảng Nam gắn với trung tâm logistic, quản lý và khai thác du lịch tại Khu đền tháp Mỹ Sơn…
Nguồn lực FDI và các tập đoàn kinh tế lớn trong nước chắc chắn sẽ tranh thủ cơ hội khi Quảng Nam đã có quy hoạch tốt và môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch với tinh thần đồng hành thật sự.
Những nguồn lực mang đến cơ hội và cả áp lực cho địa phương, nhất là áp lực về tốc độ tăng trưởng kinh tế từ nay đến năm 2030. Hy vọng Quảng Nam sẽ biến áp lực thành những hành động quyết liệt, cụ thể và hiệu quả.
Hy vọng những làn gió mới bắt đầu từ đây…
Dự kiến hơn 11 nghìn tỷ đồng đầu tư Cảng hàng không Chu Lai
Theo dự thảo Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang, nhu cầu huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng Cảng hàng không Chu Lai khoảng 11.000 tỷ đồng.
Trong đó: đầu tư khu bay khoảng 3.500 tỷ đồng; sân đỗ khoảng 1.000 tỷ đồng; khu hàng không dân dụng (HKDD) khoảng 6.500 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng).
Phạm vi đầu tư chủ yếu ở khu vực phía đông sân bay Chu Lai hiện nay, gồm: Các công trình khu bay (xây dựng 1 đường cất hạ cánh mới với kích thước 3.048m x 45m, hệ thống đường lăn, sân đỗ tàu bay) và các công trình khu HKDD: nhà ga hành khách công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà ga hàng hóa công suất khoảng 1,5 triệu tấn/năm. (L.V)