Đại biểu Dương Văn Phước cho hay, tại Kỳ họp thứ 7, đại biểu đã phát biểu đề nghị xem xét bổ sung khái niệm cũng như các quy định pháp lý liên quan về “di sản đô thị”, kể cả góp ý bằng văn bản nhưng chưa được Ban soạn thảo tiếp thu, giải trình.
Một lần nữa, đại biểu thiết tha đề nghị Ban soạn thảo xem xét tính đặc thù của di sản đô thị; trong đó như Đô thị cổ Hội An của Quảng Nam là một đô thị có lịch sử hình thành hơn 400 năm, di sản có đặc điểm hoàn toàn khác biệt so với hầu hết các di sản ở nước ta.
Đây là “bảo tàng sống” – nơi có hàng nghìn người dân sinh sống trong lòng di sản và gắn với quản lý hành chính – dân cư của 4 phường thuộc TP.Hội An, nên không chỉ đơn thuần là di tích/di sản văn hóa mà còn là đơn vị hành chính cơ sở với nhiều vấn đề quản lý khác nhau.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, việc quản lý trong khu vực di sản không chỉ có Luật Di sản văn hóa mà còn chịu tác động của nhiều bộ luật và luật khác như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Nhà ở, Luật Cư trú, Luật An ninh quốc gia, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Thương mại, Luật Du lịch…
Đại biểu cho biết, đây là quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật với số lượng lớn di tích đơn lẻ và có sự đa dạng về loại hình di tích. Trong khu vực khoanh vùng bảo vệ của di sản có tổng cộng 1.439 di tích. Riêng khu vực I có 1.175 di tích kiến trúc nghệ thuật với 12 loại hình gồm: đình, chùa, miếu, hội quán, nhà thờ tộc, thánh thất, nhà thờ, nhà ở, mộ, giếng nước, cầu, chợ. Trong đó có nhà ở vừa là di tích, vừa là nơi ở, sinh hoạt, hoạt động nghề nghiệp của người dân; có di tích còn vừa là công trình dân sinh như chợ, Chùa Cầu.
Ngoài di tích kiến trúc nghệ thuật còn có 15 di tích khảo cổ học và hàng chục di tích lịch sử cách mạng. Những di tích và công trình đơn lẻ này hợp thành di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới nên việc quản lý cần xem xét không chỉ cho đối tượng chung là khu di sản mà còn xét đến sự đa dạng loại hình di tích và yếu tố về số lượng lớn các công trình riêng lẻ nhưng quy mô nhỏ trong đó.
Việc mặc định quy định quản lý chung cho khu di sản sẽ tạo nhiều bất cập trên thực tế trong việc quản lý đối với từng loại hình và từng di tích/công trình đơn lẻ. Do đó, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị cần quy định riêng về cơ chế, mô hình quản lý đối với “di sản đô thị” nhằm thực hiện tốt công tác quản lý loại di sản có tính đặc thù đặc biệt này.
Hay như dự thảo luật quy định “Di sản văn hóa vật thể” bao gồm di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; tuy nhiên, trong bộ phận di sản văn hóa vật thể này còn có các di sản văn hóa thế giới, di sản thiên nhiên thế giới và di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (hỗn hợp) được UNESCO công nhận. Các di sản này bên cạnh phải đáp ứng các tiêu chí quy định trong dự thảo luật này còn phải đáp ứng các tiêu chí do UNESCO quy định.
Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, mỗi di sản phải đáp ứng các tiêu chí khác nhau như Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An được công nhận bởi tiêu chí II và V; Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn được công nhận bởi tiêu chí II và III hay Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được công nhận bởi tiêu chí II, III và VI…
Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định riêng về cơ chế, mô hình quản lý phù hợp với tính đặc thù của từng loại hình di sản này. Việc mặc định cơ chế quản lý chung với các di tích khác, kể cả chung cho loại hình di sản thế giới sẽ gây nhiều bất cập cho công tác quản lý trong thực tiễn.
Điều 29 quy định việc quy định sửa chữa, cải tạo, xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích thực hiện theo quy định về quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quy định tại Điều 34 và Điều 35 của luật này. Tuy nhiên, nội dung Điều 34, Điều 35 chỉ quy định đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, chưa có quy định đối với nhà ở riêng lẻ.
Theo đại biểu Dương Văn Phước, việc thực hiện quy định này rất khó với các nhà ở riêng lẻ như ở Đô thị cổ Hội An, vì mỗi ngôi nhà không chỉ là di tích đơn thuần mà còn là không gian sống, sinh hoạt, hoạt động kinh tế của người dân nên nhu cầu tu bổ, tôn tạo diễn ra thường xuyên.
Do đó, việc đưa nhà ở của người dân (người dân – chủ di tích là chủ đầu tư) vào quy hoạch và thực hiện các thủ tục lập dự án như đối với công trình do cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư sẽ tạo nên nhiều khó khăn cho chủ di tích về thời gian, kinh phí, phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính mà không phải chủ di tích nào cũng có thể thực hiện được.
Theo đại biểu, việc bắt buộc chủ di tích thực hiện theo quy định này sẽ gây phản ứng tiêu cực là chủ di tích sẽ quay lưng với trách nhiệm bảo tồn di tích và từ bỏ giá trị di sản văn hóa đã được họ tâm huyết gìn giữ từ trước đến nay; dẫn đến cả giá trị vật thể và phi vật thể của di sản đối diện nguy cơ bị đánh mất.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quy-dinh-rieng-co-che-mo-hinh-quan-ly-phu-hop-voi-tinh-dac-thu-cua-tung-loai-hinh-di-san-3143154.html