Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đánh giá TP.Đà Nẵng rất đặc thù, có đầy đủ các không gian về núi, rừng, sông, biển, bến cảng, nhà ga, sân bay là trung điểm miền Trung của cả nước. Do vậy, việc ban hành nghị quyết đặc thù mới trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 43, Nghị quyết 119 về cơ chế đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng là hết sức cần thiết và phù hợp.
Đối với quy định chính quyền đô thị ở TP.Đà Nẵng tại dự thảo nghị quyết lần này, đại biểu cho rằng rất phù hợp; trong đó có một điểm rất đáng lưu tâm đó là vấn đề về liên thông cán bộ, công chức từ cấp xã, cấp huyện và cả hệ thống chính trị.
Đại biểu đề nghị sau khi thực hiện chính thức mô hình này ở đô thị TP.Đà Nẵng cũng cần tổng kết, đánh giá vấn đề liên thông để có cơ sở sửa đổi Luật Cán bộ, công chức trong thời gian tới, nhằm tạo sự chủ động cho bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là trong bối cảnh đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Bên cạnh đó, đại biểu Phan Thái Bình tán thành việc thí điểm chính sách ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và miễn thuế thu nhập cá nhân cho tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Dự thảo nghị quyết về chính sách này đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và đặt ra các bước đi cần thiết để thu hút đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực; phù hợp với các xu hướng phát triển toàn cầu.
Đối với vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu và phạm vi miễn giảm thuế, đại biểu cho rằng việc quy định ưu đãi thuế trong dự thảo nghị quyết phần lớn không vi phạm các cam kết quốc tế. Điều này không chỉ đảm bảo cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ cao tại TP.Đà Nẵng có thể nhận được các ưu đãi cần thiết để thúc đẩy phát triển mà không vi phạm các quy định về thuế quốc tế, giúp thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược mà còn hỗ trợ sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Ngoài ra, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định quản lý nhà nước về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính; quản lý, giám sát giao dịch ngoại hối và tài chính quốc tế, quản lý thuế và ưu đãi tài chính nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động tài chính tại Khu thương mại, tài chính tự do Đà Nẵng.
Đại biểu nhấn mạnh, những cơ chế đặc thù này phải được quản lý bằng những cơ chế, chính sách quản lý nhà nước đặc thù, từ đó mới tạo động lực và cơ hội cũng như đẩy nhanh tiến trình thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả của nghị quyết này, đặc biệt là khu thương mại tự do.
Cùng tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) đánh giá 30 cơ chế, chính sách trong dự thảo nghị quyết sẽ là cơ hội tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực, huy động tối đa nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, tạo động lực mới tác động dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên; tạo đột phá mới thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội TP.Đà Nẵng trở thành một đô thị văn minh, hiện đại.
Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đại biểu cho biết hiện nay hệ thống pháp luật vẫn chưa có quy định về việc đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ phục vụ khởi nghiệp sáng tạo. Do đó, đại biểu tán thành với việc dự thảo nghị quyết đã thể hiện đầy đủ các nội dung về đối tượng điều chỉnh, thẩm quyền, các tiêu chí, quy trình, thủ tục để đảm bảo cơ chế vận hành quy định này.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần mở rộng đối tượng áp dụng để chính sách mạnh mẽ hơn, phát huy nội lực của thành phố và huy động được các nguồn lực hiện có trên địa bàn. Đồng thời, cần xem xét đến các chính sách như giảm thuế, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ nhà ở cho nhân tài và đặc biệt là mở rộng đối tượng thu hút nhân tài là các doanh nhân khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, đại biểu Vương Quốc Thắng tán thành việc TP.Đà Nẵng có thêm nguồn lực để đầu tư các công trình động lực trọng điểm, tiếp tục thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị như các địa phương có cùng trình độ phát triển tương đồng với TP.Đà Nẵng là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu có thể tăng hạn mức dư nợ vay của địa phương nhưng không làm ảnh hưởng tăng nợ công quốc gia để phù hợp với Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về định hướng giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP.
Ngoài ra, đại biểu Vương Quốc Thắng thống nhất quy định cho phép dự toán chi của UBND quận, phường của TP.Đà Nẵng được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2-4% tổng chi ngân sách quận, phường để thực hiện một số nhiệm vụ chi chưa được dự toán. Khi giao quyền thì HĐND, UBND thành phố cần có cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện để tránh sử dụng kinh phí không đúng mục đích, không hiệu quả, lãng phí ngân sách nhà nước.