Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội có 9 chương, 50 điều, tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Việc Quốc hội lựa chọn ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) để bàn thảo về dự án Luật Nhà giáo đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với đội ngũ giáo viên.
Chủ trương của Đảng ta từ trước đến nay đều coi trọng công tác giáo dục – đào tạo, trong đó đội ngũ nhà giáo là lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng. Hiến pháp 2013 cũng tiếp tục khẳng định “giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Việc phát triển, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yêu cầu tất yếu cho sự nghiệp phát triển giáo dục.
Do vậy, việc Quốc hội xem xét ban hành Luật Nhà giáo được hầu hết đại biểu bày tỏ đồng tình, ủng hộ. Trong đó, nội dung các đại biểu mong muốn nhất đó là sau khi luật ban hành, hình ảnh, chuẩn mực người thầy phải được chính họ tôn trọng, để được xã hội tôn vinh, xứng đáng với sứ mệnh trồng người, truyền thống tôn sự trọng đạo của dân tộc ta và Nhà nước cần có những chế độ, chính sách, đãi ngộ tương xứng để thu hút được người có tài, có tâm tham gia vào sự nghiệp trồng người.
Tham gia thảo luận, có ý kiến băn khoăn tại điểm c, khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo không được “ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức”; bên cạnh đó, tại khoản 5 Điều 22, Luật Giáo dục cũng quy định cấm “ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”.
Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này rất khó chứng minh như thế nào là “ép buộc” và rất khó xử lý vi phạm. Thực tiễn hiện nay, dạy thêm, học thêm đang bị lạm dụng, biến tướng, nhiều nơi gây bức xúc cho phụ huynh. Do vậy, vấn đề đặt ra là dự thảo lần này cần quy định rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong việc dạy thêm, học thêm.
Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều 16 trường hợp được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo là sinh viên có hộ khẩu lâu năm ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm ổn định lâu dài đội ngũ nhà giáo, khắc phục tình trạng thiếu hụt nhà giáo ở khu vực này.
Bổ sung điều kiện về thời gian công tác (5 năm, 10 năm…) đối với người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng. Việc quy định cụ thể thời gian để giáo viên có thể cân nhắc trước khi đưa ra quyết định và khi đã quyết định thì yên tâm công tác lâu dài, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.
Sau khi xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến Luật Nhà giáo sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-quoc-hoi-ban-ve-du-an-luat-nha-giao-3144544.html