Tìm cách xâm nhập thị trường
Mặc dù đại dịch COVID-19 đã qua đi nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn còn thiếu đơn hàng. Bối cảnh đó đòi hỏi DN phải tăng cường xúc tiến thương mại (XTTM) để mở rộng thị trường trong nước, xuất khẩu.
Bà Đặng Thị Hương – Giám đốc HTX Hương Huệ (thôn Vinh Huy, xã Bình Trị, Thăng Bình) cho rằng, sản xuất kinh doanh muốn tồn tại được thì sản phẩm phải chất lượng.
Hiện nay, cơ sở của bà Hương đã được đầu tư dây chuyền khép kín sản xuất các sản phẩm phở khô, mỳ Quảng khô, bánh tráng cuốn. Sản phẩm khi hoàn thành được đóng gói, dán nhãn và truy xuất nguồn gốc qua mã QR. Hàng hóa của HTX Hương Huệ đã được công nhận OCOP 3 sao.
Mới đây, HTX Huệ Hương phối hợp với HTX Bà Ba Hội (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) xuất khẩu chính ngạch sản phẩm mỳ Quảng ếch sang Mỹ.
“Nếu không coi trọng XTTM, hàng hóa của tôi có thể đã không được người tiêu dùng ưa chuộng. Tôi đang mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, bố trí các cơ sở bán hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và tìm hướng xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác” – bà Hương nói.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều chương trình XTTM với sự tham gia của nhiều DN. Như tham gia Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam – VIETNAM EXPO 2024 tại Hà Nội, Hội chợ công thương vùng Tây Bắc – Điện Biên năm 2024.
Sắp tới mật độ sẽ dày hơn, gồm Hội chợ triển lãm công thương – OCOP Thái Nguyên 2024, Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng, Chương trình kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp các sản phẩm tiềm năng xuất khẩu của khu vực miền Trung – Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu, trình diễn tại chương trình “Tinh hoa làng nghề và đặc sản vùng miền năm 2024” tại TP.Hồ Chí Minh, trưng bày sản phẩm tại chương trình “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” và các chương trình kết nối cung cầu, hội nghị, hội thảo, xúc tiến thương mại khác.
Ông Bùi Ngọc Phúc – chủ Cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống và mứt biển Phúc Diễn – Kỳ Hà (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang, Núi Thành) cho rằng, nếu không hiểu rõ tầm quan trọng của XTTM thì DN chắc chắn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Vì vậy, khi có giấy mời tham gia hội chợ, chương trình kết nối cung cầu, hội nghị kết nối khách hàng của ngành công thương là ông Phúc nhiệt tình tham gia.
“Tham gia XTTM, tôi mong muốn kết nối, trao đổi thông tin, phối hợp sản xuất kinh doanh với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Đó là cách để phát triển thêm cách kênh tiêu thụ cũng như tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu” – ông Phúc nói.
Bà Nguyễn Thị Tiến – chủ hộ kinh doanh “Cô Một” (thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, Thăng Bình) cho biết, tham gia hội chợ, triển lãm trên cả nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kết nối với các nhà cung ứng lớn, qua đó thu thập được nhiều thông tin về các thị trường tiềm năng, thị trường lâu dài để sản xuất kinh doanh bền vững. Đến nay, nhiều sản phẩm bột ngũ cốc “Cô Một” từ đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh hay trà gừng đã được thị trường đón nhận.
Hướng mở từ XTTM
Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết, qua các dịp tham gia XTTM đã nhận ra xu thế mới là thị trường yêu cầu DN phải sản xuất kinh doanh với các tiêu chuẩn xanh.
Do hội nhập sâu rộng, tương tác cao của nhiều dòng sản phẩm trong nước và xuất khẩu, thị trường đòi hỏi sản phẩm phải được sản xuất xanh, bảo vệ môi trường. “Qua XTTM, DN biết phải làm gì để thích ứng với yêu cầu của thị trường, nhất là có kế hoạch và lộ trình, cách đầu tư sản phẩm để rộng mở thị trường xuất khẩu” – ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, để phát huy hiệu quả hoạt động XTTM, đòi hỏi ở DN cách tiếp cận thị trường phù hợp, đổi mới các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Các DN, nhất là DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất, chủ thể OCOP của tỉnh cần chủ động tham gia các chương trình XTTM với các sản phẩm thế mạnh để thu hút khách hàng, đối tác. Đặc biệt, cần hạn chế tham gia kiểu vì lợi ích trước mắt, ít đầu tư về quảng bá, không nghiên cứu thị trường để tìm kiếm bạn hàng lâu dài.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, XTTM cần tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và gắn chặt với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mở rộng thị trường xuất khẩu.
XTTM cần có trọng tâm trọng điểm, ưu tiên những mặt hàng nông sản thực phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề truyền thống có thế mạnh. Tranh thủ được nguồn lực XTTM quốc gia, nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả XTTM, tạo động lực cho phát triển thương mại của tỉnh.