Rất cấp thiết
Nhiều huyện miền núi của Quảng Nam có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, nguyên nhân chủ yếu là khó khăn về chỗ ở, đất ở và đất sản xuất.
Ông Phan Hồng Nhật – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Trà My cho biết, thời gian qua, tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả trên địa bàn. Tuy vậy, do nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa có đất nông nghiệp nên không thể cho vay vốn đầu tư sản xuất.
“Hỗ trợ đất đai cho đồng bào thiểu số là rất thiết thực để giúp họ tạo sinh kế, ổn định thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững” – ông Nhật nói.
Ông Nguyễn Văn Hiền – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Trà My cho biết, dư nợ cho vay ưu đãi để người dân làm nhà ở trên địa bàn đạt thấp do họ không có đất ở hoặc không được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Qua làm việc với các hội nông dân, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh của huyện, xã, đơn vị được biết nhu cầu làm nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là rất lớn bởi lâu nay họ ở tạm bợ. Bởi vậy, hỗ trợ đất ở cho người dân được làm nhà, an cư là rất cấp thiết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng, Luật Đất đai năm 2024 có quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS.
Trong đó có các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ đất đai để đảm bảo ổn định cuộc sống cho cá nhân là người đồng bào DTTS đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
“Ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vừa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024 vừa phù hợp với điều kiện thực tế và nỗ lực của tỉnh trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi những năm qua” – ông Trần Nam Hưng nói.
Khẩn trương hoàn thiện chính sách
Mới đây, UBND tỉnh có buổi làm việc với các sở, ngành về dự thảo Nghị quyết hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 28 sắp tới.
Sau khi nghe trình bày của Sở TN-MT, các ý kiến đóng góp của sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng yêu cầu Sở TN-MT khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
Đối với đất sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng văn hóa và điều kiện thực tế của từng dân tộc, địa phương; bố trí đất đảm bảo diện tích tối thiểu 100m2.
Đối với giao đất ở lần đầu, được miễn tiền sử dụng đất cho cá nhân sinh sống tại các xã thuộc khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), giảm 50% tiền sử dụng đất cho cá nhân sinh sống tại các khu vực I, II.
Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn đất ở thì được giao tiếp đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Cá nhân được hỗ trợ đất ở khi thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai thì được miễn kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính và các khoản phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Đối với đất sản xuất nông nghiệp, Nhà nước giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất. Cá nhân đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng nay không còn hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức thì được giao tiếp đất nông nghiệp không thu tiền hoặc cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất trong hạn mức thuê đất theo quy định.
Cá nhân được hỗ trợ đất sản xuất khi thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai thì được miễn kinh phí đo đạc, lập hồ sơ địa chính và các khoản phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, Nhà nước còn cho thuê đất phi nông nghiệp để đồng bào thiểu số thực hiện dịch vụ giải trí, vui chơi, thể thao…
Chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS được cho là sẽ khuyến khích người dân nỗ lực sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Đó cũng là cách để Quảng Nam tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội ở vùng cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào thiểu số.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-xay-dung-chinh-sach-ho-tro-dat-dai-vung-dan-toc-thieu-so-3144262.html