Nhìn lại để bước tới
Những dấu ấn của một nhiệm kỳ được điểm lại. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thông tin, ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021 – 2025 xác định, gồm: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị; Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Quảng Nam đã đối diện nhiều khó khăn ngay từ đầu nhiệm kỳ. Dịch COVID-19 xuất hiện, diễn biến phức tạp, kéo dài. Thiên tai, lũ lụt liên tiếp xảy ra đã tác động không nhỏ đến quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ tỉnh cũng như việc thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược. Song, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt, thích ứng an toàn, linh hoạt.
Quảng Nam đã quyết liệt triển khai nhiều chính sách để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước… Đây sẽ là động lực rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của Quảng Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng
Tiếp nối những kết quả đã đạt được về ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2015 – 2020, giai đoạn 2020 – 2025, toàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, giúp kinh tế khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) bình quân 5 năm 2020 – 2025 dự kiến khoảng 3,3%. Quy mô nền kinh tế năm 2025 dự kiến gần 136,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 38 nghìn tỷ đồng so với năm 2020.
Thời gian qua, Quảng Nam đã ưu tiên các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ trên tất cả ngành, lĩnh vực, trọng tâm là kết nối các tuyến giao thông và đô thị. Nhiều dự án, công trình quan trọng được đầu tư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng.
Cùng với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, tốc độ đô thị hóa tăng về số lượng và quy mô. Hạ tầng đô thị phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn từng bước được thu hẹp. Bên cạnh đó, bước đầu phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh và đô thị sinh thái, gắn với phát triển du lịch.
“Các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã được tập trung nhằm khơi thông nguồn lực.
Quảng Nam đã quyết liệt triển khai nhiều chính sách để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân trong nước có uy tín, năng lực và kinh nghiệm kinh doanh. Đây sẽ là động lực rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của Quảng Nam” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Những hạn chế được chỉ ra, trong bối cảnh việc hiện thực hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ chưa đạt như kỳ vọng. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững; chưa gắn kết có hiệu quả giữa phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với cơ cấu lại nền kinh tế. Hạ tầng chiến lược chưa được khai thác hiệu quả và chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong khi đó, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu lẫn hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực cũng là điều mà Quảng Nam đang trăn trở…
Đột phá vì mục tiêu phát triển
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch chia sẻ, qua nhiều lần trở lại Quảng Nam, ông thấy rõ sự cầu thị, sự đổi mới tư duy và mong muốn đột phá, đặt trên nền tảng bền vững của Quảng Nam.
“Phát triển kinh tế vẫn chưa thể so được với tiềm năng. Quảng Nam có diện tích rất lớn, vừa là thuận lợi, vừa mang đến nhiều thử thách. Chúng ta có nền tảng để phát triển, nhưng trái lại cũng phải lo lắng cho một khu vực rất rộng, cư dân dàn trải, quy mô đầu tư tốn kém. Do đó, cần phải có tư duy phát triển đột phá mới. Tỉnh đã và đang làm, nhưng cần nâng lên tầm cao hơn” – ông Sơn đặt vấn đề.
Theo ông Sơn, vấn đề hàng đầu là phải thu hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Đặt vào “cán cân” với Huế, Đà Nẵng, ông cho rằng dù hai địa phương này đã phát triển rất nhanh thời gian qua, nhưng chính ở đó đã xuất hiện các rào cản về quỹ đất, sân bay, cảng biển, những yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho Quảng Nam ở hiện tại.
Vấn đề an cư lạc nghiệp rất quan trọng, tuy nhiên Quảng Nam thiếu cơ hội phát triển đô thị, dự án mà ở đó tạo ra cơ hội công ăn việc làm, xây dựng hệ sinh thái giúp cư dân sống và làm việc tốt. Dịch COVID-19 đã điều chỉnh rất nhiều về tư duy. Dân cư có thể xem xét đến vùng khác, và nếu Quảng Nam làm tốt, tạo công ăn việc làm, an sinh tốt, rất đông lao động sẽ đến đây để tìm kiếm cơ hội.
“Chúng ta có nhiều tài nguyên, nhưng việc liên kết còn quá kém. Liên kết phải tạo nên cơ hội để cư dân sẵn sàng bỏ tiền vào, Trung ương sẵn sàng cho cơ chế, hỗ trợ kinh phí. Điều quan trọng nữa là ngân sách. Nắm trong tay một nguồn ngân sách có hạn, với diện tích lớn như hiện tại, đầu tư ở đâu phải hiệu quả ở đó và ưu tiên chỗ nào hiệu quả cao nhất. Gắn kết với đó là an sinh xã hội.
Quảng Nam nên tập trung kinh tế ở các khu vực đem lại nguồn thu lớn nhất, khuyến khích tăng dân số, lao động, nhân lực. Khu vực còn lại, sẽ đặt vấn đề khai thác hiệu quả các tài nguyên không cần nhiều nguồn lực và dân cư, tập trung hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội cho toàn bộ người dân” – ông Sơn nhận định.
Theo GS-TS. Trương Quang Học (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyển đổi xanh, phát triển hợp sinh thái là xu hướng mới được nhiều quốc gia chọn lựa nhằm duy trì sự hài hòa giữa con người và tự nhiên. Quảng Nam cũng cần cân nhắc nhiều yếu tố để đảm bảo quá trình phát triển duy trì yếu tố bền vững, góp phần xây dựng một xã hội sinh thái bền vững” – GS-TS. Trương Quang Học nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-voi-khat-vong-phat-trien-ben-vung-3147465.html