Trợ lực cho miền núi
Suốt nhiều năm gắn bó và đồng hành, Đông Giang – Điện Bàn được xem là hai địa phương kết nghĩa có “mối lương duyên” đặc biệt. Rất nhiều công trình đã và đang được đầu tư tại Đông Giang, đến nay vẫn phát huy hiệu quả thiết thực.
Điển hình như Trường THCS Mẹ Thứ (thị trấn Prao), với tổng kinh phí đầu tư hơn 23 tỷ đồng, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, ngôi trường mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện được xem là “ngôi nhà chung” của con em đồng bào các dân tộc tại Đông Giang.
Đến nay, toàn tỉnh có 89 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp kết nghĩa với 66 xã miền núi. Trong đó, 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng kết nghĩa với 9 huyện miền núi và kết nghĩa đỡ đầu 14 xã biên giới đất liền của tỉnh; một số cơ quan, đơn vị kết nghĩa với 2 – 3 xã đặc biệt khó khăn.
Các đơn vị triển khai rất nhiều hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực, hiệu quả cả về vật chất, tinh thần đối với địa phương được phân công nhận kết nghĩa.
Bằng nguồn lực từ các khoản vận động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án… tổng giá trị hỗ trợ công tác tác kết nghĩa gần 81,5 tỷ đồng.
Ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ của Điện Bàn đã giúp địa phương rất nhiều trong việc đầu tư các công trình hạ tầng dân sinh, mô hình sinh kế mới… Nhiều mô hình, công trình phát huy hiệu quả giúp cộng đồng phát triển, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
“Giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện Quyết định số 1100 của UBND tỉnh, chúng tôi chủ động rà soát và thông tin nhu cầu gửi Thị ủy Điện Bàn.
Sau đó, Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn và Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Giang có buổi làm việc để phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình đời sống, sản xuất; kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương để xây dựng kế hoạch kết nghĩa phù hợp với thực tiễn.
Quá trình kết nghĩa, Điện Bàn hỗ trợ 5 tỷ đồng giúp Đông Giang xây dựng công trình kè chống sạt lở tại sân vận động huyện. Ngoài ra, hỗ trợ 100 triệu đồng phục vụ sinh kế cho người dân, cùng nhiều suất quà động viên người khó khăn bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ” – ông Tùng chia sẻ.
Không chỉ riêng với Điện Bàn, những năm gần đây, Đông Giang đón nhận rất nhiều tình cảm, sự đồng hành của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, các doanh nghiệp và địa phương ở đồng bằng.
Bằng tinh thần sẻ chia, đến nay, các đơn vị giúp địa phương xây dựng 20 ngôi nhà tình nghĩa, đại đoàn kết; hàng chục dàn máy vi tính, ti vi; nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo, cùng chương trình hỗ trợ sau thiên, thắp sáng đường quê.
“Ngoài ra, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn trợ giúp pháp lý; các diễn đàn thanh niên khởi nghiệp, thăm khám sức khỏe, mở các lớp đào tạo nghề lắp đặt điện nội thất, cơ khí hàn, nấu ăn…” – ông Tùng cho biết thêm.
Góp sức xóa nhà tạm
Những năm qua, Quảng Nam đẩy mạnh công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên quy mô toàn tỉnh. Đây là chủ trương lớn nhằm hỗ trợ, góp sức đảm bảo ổn định chỗ ở cho người khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Không nằm ngoài mục tiêu ý nghĩa đó, công tác kết nghĩa cũng được “lồng ghép”, tạo động lực thúc đẩy kế hoạch triển khai xóa nhà tạm cho cộng đồng.
Ông Châu Văn Ngọ – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, giai đoạn 2021 – 2023, địa phương có 11 xã được kết nghĩa với 23 đơn vị, địa phương trong tỉnh.
Qua 3 năm thực hiện công tác kết nghĩa, Nam Giang nhận được tổng kinh phí hỗ trợ gần 16,4 tỷ đồng. Từ kinh phí này, bên cạnh hỗ trợ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, an sinh xã hội và quốc phòng – an ninh, địa phương dành phần lớn nguồn lực hỗ trợ xây dựng 33 ngôi nhà mới cho các hộ dân khó khăn, phụ nữ các xã biên giới, góp phần xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn huyện.
“Đến nay, cả 33 ngôi nhà đã được hoàn thiện và bàn giao sử dụng từ nguồn lực hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, góp phần thúc đẩy ổn định nhà ở cho người dân khó khăn trên địa bàn huyện. Các hộ dân được chọn để xây nhà mới đều thuộc diện nghèo khó, thường xuyên ốm đau, các gia đình chính sách, neo đơn, không nơi nương tựa…” – ông Ngọ nói.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, sau 3 năm triển khai kết nghĩa, các đơn vị đã hỗ trợ xây dựng hơn 100 nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết và hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi, công cụ, dụng cụ sản xuất.
Từ việc hỗ trợ nhà ở cho người khó khăn này, đã góp sức rất lớn cho mục tiêu xóa nhà tạm, tạo điều kiện để người dân ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, các đơn vị còn triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ khác, như huy động hàng nghìn ngày công giúp người dân tạo mặt bằng xây dựng cụm dân cư, thi công đường giao thông nông thôn, sửa chữa nhà cửa…