Lựa chọn Trà Kiệu?
Cơ quan quản lý du lịch địa phương vừa có buổi họp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cùng các doanh nghiệp du lịch vào ngày 17/6 để quyết tâm cụ thể hóa kế hoạch thúc đẩy du lịch đường sắt. Buổi làm việc diễn ra trong bối cảnh “chuyến tàu di sản miền Trung” sau 3 tháng vận hành chặng Huế – Đà Nẵng và ngược lại đang thu được nhiều kết quả tích cực.
Tuyến đường sắt Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh qua địa bàn Quảng Nam dài 91,5km, gồm 8 ga: Nông Sơn, Trà Kiệu, Phú Cang, Tam Thành, An Mỹ, Tam Kỳ, Diêm Phổ, Núi Thành. Trong đó có 3 ga tác nghiệp đón trả khách là: Trà Kiệu, Tam Kỳ và Núi Thành.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam đã giao các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện phương án, kế hoạch để chuyến tàu Đà Nẵng – Trà Kiệu có thể vận hành thử nghiệm sớm nhất có thể. Lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cam kết sẽ xúc tiến mạnh mẽ để tuyến tàu này có thể vận hành trong nửa cuối năm 2024.
Các bên liên quan đều chung nhận định, nếu thúc đẩy du lịch đường sắt ở Quảng Nam, trọng tâm là kết nối mở rộng chặng tàu di sản Huế – Đà Nẵng thì ga Trà Kiệu là phù hợp nhất.
Bởi ga Trà Kiệu hiện đã đầu tư hạ tầng tương đối ổn, có thể phục vụ du lịch; khoảng cách từ ga đến hai di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn đều dưới 25km. Thêm nữa, bản thân địa danh Trà Kiệu cũng mang trong mình nhiều dấu ấn lịch sử đặc sắc gắn với đất và người xứ Quảng.
Ông Nguyễn Công Khiết – Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết, nếu triển khai được tuyến tàu lửa du lịch Đà Nẵng – Trà Kiệu thì đơn vị rất ủng hộ và sẵn sàng tính toán phương án cung cấp trải nghiệm văn hóa cho khách đi tàu cũng như ưu đãi về giá vé đến khu đền tháp…
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, do cách không xa ga Đà Nẵng nên giờ tàu đi – đến các ga ở Quảng Nam, trong đó có ga Trà Kiệu có khung giờ khá đẹp, có thể nói là “giờ vàng”, rất hiếm các chuyến đến vào ban đêm, là yếu tố thuận lợi để khai thác du lịch.
Vừa qua, các ga ở Quảng Nam cũng đã được nâng cấp hạ tầng mạnh mẽ, việc triển khai chạy tàu du lịch chặng qua Quảng Nam không khó, đơn vị có thể chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tàu chạy trong vòng vài tuần.
Vấn đề là phải tính toán kỹ lưỡng để chặng tàu Đà Nẵng – Trà Kiệu vận hành hiệu quả, tiếp nối mạch trải nghiệm ấn tượng của du khách sau chặng Huế – Đà Nẵng.
Liệu có khả thi?
Dữ liệu cập nhật của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, lượng khách đi – đến ga Tam Kỳ đạt 520 khách, Trà Kiệu đạt 81 khách, Núi Thành 98 khách trong Chủ nhật.
Tổng lượng khách đến các ga Quảng Nam chỉ bằng khoảng 10% so với lượng khách đi – đến ga Đà Nẵng và khoảng 15% so với các ga ở Thừa Thiên Huế. Thêm nữa lượng khách đi – đến ga Quảng Nam hiện nay chủ yếu là người địa phương và hầu như không có khách du lịch.
Theo tính toán của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, để vận hành lâu dài được một chuyến tàu trải nghiệm du lịch thì tỷ lệ lấp đầy phải đạt khoảng 60-70% trong 6-7 toa tàu. Do đó, để có tuyến tàu sắt du lịch qua Quảng Nam phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng hành của các doanh nghiệp du lịch để kết nối thị trường khách.
Ông Nguyễn Xuân Hà – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ điểm đến Quảng Nam gìn giữ giá trị bản địa cho rằng, hiện giao thông phục vụ khách bằng đường bộ từ Đà Nẵng đến Hội An và Mỹ Sơn đều rất thuận lợi với thời gian di chuyển ngắn.
Do đó nếu muốn thu hút khách đi chuyến tàu Đà Nẵng – Trà Kiệu thì phải có trải nghiệm văn hóa bản địa thực sự khác biệt. Ngoài ra, phải tính toán các gói tour, sản phẩm, dịch vụ phù hợp, thuận lợi sau khi khách xuống Trà Kiệu.
Theo đại diện HoiAn Express, thị trường khai thác chủ yếu của đơn vị là khách Âu – Mỹ – Úc và phân khúc khách này khá quan tâm đến các sản phẩm liên quan đến di sản ở miền Trung, nên việc mở rộng trải nghiệm tàu di sản ở Quảng Nam là khả thi.
Hiện đơn vị vẫn khai thác khách đi Huế – Đà Nẵng bằng đường bộ, nếu mở rộng tuyến tàu di sản thì có thể cân nhắc đổi chiều đi hoặc chiều về của khách sang đi bằng tàu để gia tăng trải nghiệm. Về lâu dài, khi đưa vào vận hành, nếu triển khai các toa tàu “charter” thì sẽ thuận lợi hơn nữa cho đơn vị khai thác vì chủ động về số lượng.
Ông Lê Quang Hiếu – Phó Giám đốc Sở GT-VT cho rằng, một số băn khoăn của các bên về hạ tầng giao thông phụ trợ cho gà Trà Kiệu hoặc tuyến xe buýt phục vụ khách trên tuyến này không phải là nút thắt.
“Điều quan trọng nhất là cần phương án, kịch bản cụ thể để vận hành tuyến Đà Nẵng – Trà Kiệu, từ đó mới có thể tính toán phương án thu hút khách hoặc hạ tầng đi theo tương ứng” – ông Hiếu nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-tim-duong-nhap-cuoc-chuyen-tau-di-san-mien-trung-3136621.html