Mở rộng không gian du lịch
Từ cuối năm 2023 đến nay, làng Triêm Tây (Điện Phương, Điện Bàn) dần trở thành địa điểm được Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC chọn đưa khách đến thường xuyên.
Dường như tuần nào cũng có vài đoàn khách nước ngoài được công ty đưa đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống người dân và các nghề truyền thống nơi đây.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC cho biết, lý do du khách ưa thích Triêm Tây bởi ngôi làng còn giữ nét nguyên sơ dân dã khác xa với những ồn ào bên phố.
“Từ Hội An khách được xe điện đưa đến Triêm Tây tham quan khu nhà vườn sinh thái của kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, trải nghiệm nghề dệt chiếu, đắp tượng, nghỉ ngơi ăn uống tại nhà hàng ven sông, sau đó lên thuyền quay về lại Hội An” – ông Tuấn nói về lộ trình của khách.
Là doanh nghiệp chuyên khai thác dòng khách châu Âu, Úc, Mỹ, những thị trường yêu thích khung cảnh làng quê nên ông Tuấn luôn tìm kiếm điểm đến mới lạ, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách.
Ngoài một số điểm nông thôn quen thuộc ở Hội An như làng rau Trà Quế, rừng dừa nước Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm… Triêm Tây dần trở thành không gian mới đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng cao của dòng khách này.
Các phân tích cho thấy, nếu dòng khách châu Á (Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan…), kể cả khách Việt thường chọn lựa các dịch vụ vui chơi, giải trí… thì khách Âu – Úc – Mỹ thường có xu hướng khám phá các vùng quê, văn hóa, làng nghề.
Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty Du lịch Jack Tran Tours cho rằng, trong tình hình phố cổ đã trở nên chật chội, ồn ào thì việc mở rộng không gian du lịch rất cấp thiết nhằm không chỉ giảm áp lực các điểm du lịch trung tâm Hội An, mang đến nhiều chọn lựa cho khách mà còn giúp tạo sinh kế, thu nhập cho người dân nông thôn.
Thời gian qua, ngoài tổ chức các chương trình du lịch nông nghiệp như một ngày làm nông dân, trải nghiệm cưỡi trâu, vãi chài trên sông…, Jack Tran Tours cũng bắt đầu đưa khách về làng chài Cửa Đại trải nghiệm nghề đan lưới, sửa tàu thuyền.
Đặc biệt, doanh nghiệp cũng đang nghiên cứu biến con đường chính trong làng trở thành con đường bích họa nhằm tạo ấn tượng và điểm nhấn cho du khách khi đến thăm quan, trải nghiệm tại làng.
Khai thác những dư địa
Thật ra, du lịch nông thôn không phải là loại hình mới nhưng đang trở thành xu hướng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách về các giá trị tài nguyên bản địa mang tính văn hóa đặc trưng.
Với 3 loại hình cơ bản là du lịch cộng đồng, trải nghiệm canh tác nông nghiệp và du lịch sinh thái, du lịch nông thôn trở thành nơi khám phá, trải nghiệm cuộc sống của du khách với người dân bản địa.
Tại Quảng Nam, mục tiêu phát triển du lịch xanh gắn với gìn giữ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa, thúc đẩy khai thác mạnh mẽ các tiềm năng du lịch, nhất là các giá trị văn hóa, thiên nhiên làng quê đang dần phát huy hiệu quả.
Một số địa phương như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang… dần trở thành điểm đến quan tâm của nhiều doanh nghiệp lữ hành.
Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel, đơn vị chuyên đưa khách đến các vùng quê nhìn nhận, dư địa phát triển du lịch nông thôn Quảng Nam còn khá nhiều. Chỉ riêng tại làng Cẩm Phú (xã Điện Phong, Điện Bàn), từ đầu năm đến nay hàng chục đoàn khách đã được Emic phối hợp cùng đối tác đưa về, phần lớn là khách Pháp.
“Một lợi thế của du lịch nông thôn Quảng Nam là có khoảng cách không quá xa phố cổ Hội An, do đó doanh nghiệp có thể dễ dàng tổ chức tour đưa khách đến. Vấn đề hiện nay chỉ là đầu mối tại chỗ để doanh nghiệp, du khách thuận lợi kết nối các tour tuyến” – ông Hà nói.
Trong chương trình công tác năm 2024 của Sở VH-TT&DL, du lịch nông thôn được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm.
Nhiều hoạt động, nội dung thúc đẩy du lịch nông thôn đang được sở tính đến như triển khai các chương trình tập huấn kỹ thuật, đào tạo nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch nông thôn đến các thị trường trong nước, quốc tế…
Mục đích biến du lịch nông thôn trở thành trụ cột của du lịch Quảng Nam, bên cạnh các lợi thế về biển và du lịch văn hóa di sản, có thể cạnh tranh tốt với các trung tâm du lịch trong nước và khu vực.
Theo ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong bối cảnh Hội An đang dần trở nên quá tải khách, việc mở rộng không gian du lịch ra các vùng ven như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình rất quan trọng.
Để khai thác hiệu quả và toàn diện tiềm năng du lịch nông thôn, bên cạnh sự đồng hành của ngành du lịch thì sự vào cuộc quyết liệt của địa phương đóng vai trò then chốt.
Đó không chỉ là chiến lược, nguồn lực, nhân lực mà còn cần có sự quyết tâm để biến các giá trị, văn hóa miền quê trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn lâu dài.