Doanh nghiệp gặp khó
Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Đất Quảng – Quảng Nam đang vướng vào một vụ khởi kiện đã vắng mặt. Mười một doanh nghiệp bất động sản khác có số nợ thuế nhiều theo giấy mời đã có mặt đủ tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh về việc tháo gỡ khó khăn trong thu hồi nợ thuế.
Khó khăn của doanh nghiệp nêu ra tại cuộc họp chủ yếu là không thể giải phóng được mặt bằng, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp không thanh khoản được.
Các địa phương tổ chức đấu giá đất nhưng không có người mua, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vay do không được gia hạn tiến độ dự án…
Ông Trần Đăng Khoa – Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và dịch vụ An Dương nói khó khăn nhất của các dự án bất động sản là nhiều dự án có quyết định giao đất đợt 1, đã phê duyệt phương án giá đất; nhiều dự án đã nộp tiền sử dụng đất từ năm 2020, nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tình trạng đất không liên hoàn, không hoàn chỉnh trong phần diện tích đã giao bị phân mảnh, gây khó khăn việc cấp sổ theo block.
Kiến nghị của An Dương xoay quanh các vấn đề chính của dự án. Đó là cấp GCNQSDĐ theo block cho các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Ngoài ra, có thể cho phép doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại những vị trí hạ tầng khung, hoàn tất thủ tục giao đất sớm và sớm phê duyệt phương án giá đất cụ thể…
“Doanh nghiệp đã làm việc với các ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, theo yêu cầu của ngân hàng, điều kiện để vay vốn là phải có GCNQSDĐ theo block. Vì vậy, các dự án đã giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng hơn 80%, đủ điều kiện nghiệm thu, xin UBND tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn tất thủ tục cấp sổ block, để doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn, hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhà nước ngay trong năm 2024” – ông Khoa nói.
Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam Nguyễn Văn Tiếp thừa nhận khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, nhất là các doanh nghiệp tại cuộc làm việc này cơ bản giống nhau. Tất cả đều gặp khó khăn nên đã nợ thuế lớn.
Chính quyền, cơ quan quản lý cần tìm cách tháo gỡ, từ “cấp sổ”, định giá đất, điều chỉnh hay phân kỳ đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, để có thể đốc thu số nợ này vào ngân sách nhà nước.
Tìm cách khai thông bất động sản
Theo thống kê của Cục Thuế tỉnh, số nợ đọng tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản hiện nay khoảng 1.600 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ thuế. Chỉ tính riêng 11 doanh nghiệp có mặt tại cuộc họp này đã lên đến 1.250 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tiếp nói các doanh nghiệp nợ đã bị cưỡng chế hóa đơn. Cơ quan thuế chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, nhưng nếu không nộp kịp thời số nợ vào ngân sách nhà nước sẽ phải tiếp tục thực hiện các bước cưỡng chế tiếp theo như cưỡng chế tài sản, thu từ người thứ ba và thu hồi giấy phép kinh doanh.
“Mong doanh nghiệp quyết tâm tìm ra các giải pháp hữu hiệu để nộp tiền vào ngân sách nhà nước, tránh các bước cưỡng chế, không để doanh nghiệp bị đẩy vào thế khó” – ông Tiếp nói.
Quan điểm của UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh là sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp duy trì hoạt động, nhưng phải thực hiện đúng luật, thực thi nghĩa vụ tài chính ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các kiến nghị của doanh nghiệp, từ điều chỉnh chủ trương đầu tư, phân kỳ đầu tư, cấp sổ theo phân kỳ hay điều chỉnh quy hoạch rất khó để thực hiện được vì pháp luật không cho phép.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng nói không bàn đến những kiến nghị phân kỳ đầu tư dự án hay điều chỉnh vì các dự án đã sai ngay từ thủ tục đầu vào, hay không thể đơn giản muốn điều chỉnh dự án là có thể điều chỉnh được. Đó là câu chuyện thuộc về pháp lý.
Để dòng chảy bất động sản hanh thông, trước hết, doanh nghiệp phải thực hiện đúng luật, thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp cho ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp là trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý. Theo đó, giao Sở TN-MT nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét theo hướng các dự án đã hoàn thành hạ tầng tối thiểu 80%, đồng bộ, liên cư, liên địa, không “da beo”, xác định sẽ cấp sổ block từ 50 – 70% đối với phần dự án đã hoàn chỉnh. Khi doanh nghiệp đã nộp tiền giải phóng mặt bằng thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm lên chi tiết, kế hoạch tiến độ giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho doanh nghiệp để tăng nguồn thu cho ngân sách.
Các sở, ngành, địa phương có thể nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh đồng ý chủ trương điều chỉnh đối với từng dự án cụ thể theo các luận cứ thuyết phục về sự cần thiết phải điều chỉnh trên cơ sở theo đúng Luật Quy hoạch. Còn gia hạn tiến độ đầu tư cho dự án thì bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, ký quỹ mới có thể xem xét cho gia hạn.
Khó có thể thấy ngay kết quả đốc thu ngân sách nhà nước chỉ trong một cuộc họp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp như Công ty TNHH Xây dựng và đầu tư dự án bất động sản Nhất Long, Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành, Công ty CP Xây dựng và thương mại 591 cam kết ngay tại cuộc họp là sẽ hoàn tất số nợ đọng thuế này vào cuối năm 2024.
Một cổ đông lớn – một đại diện khác của Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và dịch vụ An Dương (có đến 8 công ty con tham dự cuộc họp với tổng nợ lên đến 1.050 tỷ đồng) cho rằng khi tái cơ cấu doanh nghiệp, dự án, ngân hàng đã ủng hộ với điều kiện là có được sổ block.
Nếu nhanh chóng ra được block thì sẽ vay được ngân hàng, thanh toán cho toàn bộ số nợ đọng thuế này. Còn không, thì chỉ có thể thanh toán nhiều nhất khoảng 250 tỷ đồng cho số nợ đã nêu. Nếu “giải thoát” được cho doanh nghiệp hoàn thành năm 2024 thì sẽ có nhiều cơ hội cho năm 2025.
Theo vị đại diện An Dương, khi cấp sổ block, doanh nghiệp sẽ không bán được, nhưng có điều kiện vay vốn ngân hàng để thanh toán nợ. Ngân sách nhà nước không mất đi mà còn thu hồi được khoản nợ từ doanh nghiệp.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-bat-dong-san-de-thu-hoi-no-thue-3140254.html