Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, việc triển khai Nghị quyết số 13 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 gặp nhiều lúng túng.
Trong đó, đối với nguồn ngân sách, đến nay Sở Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể; đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh có chỉ đạo dứt điểm. Với nguồn xã hội hóa qua kênh Mặt trận đã có tài khoản riêng để tiếp nhận, tuy nhiên, nguồn vận động được đến nay chưa biết phân bổ thế nào, Mặt trận hay chính quyền đề xuất…
Về cách thức hỗ trợ, nhiều ý kiến đề nghị phân bổ nguồn lực xóa nhà tạm dứt điểm theo từng huyện, không làm dàn trải.
Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh cho biết, thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, năm 2024 Tỉnh đoàn đưa vào nghị quyết, phấn đấu xây dựng ít nhất 50 nhà trên toàn tỉnh. Đồng thời quán triệt các huyện, thị, thành đoàn hỗ trợ xây dựng nhà căn cứ theo danh sách, số liệu rà soát của tỉnh đã triển khai.
Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh cũng đồng tình với các ý kiến đề nghị rà soát cụ thể số liệu nhà tạm, nhà dột nát, bởi hiện nay số liệu báo cáo của nhiều cơ quan chưa thống nhất. Cần xác định địa phương cụ thể để tập trung nguồn lực xóa nhà tạm, bởi thời gian chưa đến 2 năm rất khó để thực hiện trên phạm vi cả tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, theo Nghị quyết số 13, mục tiêu của Quảng Nam trong giai đoạn 2023 – 2025 hoàn thành hỗ trợ xóa 15.735 nhà tạm cho hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, hộ nghèo, cận nghèo, tổng kinh phí hơn 407 tỷ đồng.
Thống nhất với các ý kiến là nên tập trung xóa nhà tạm có trọng tâm, trọng điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết tỉnh sẽ thành lập ban chỉ đạo, đề ra cách thức triển khai hiệu quả thời gian đến. Mục tiêu là làm sao không bị trùng đối tượng, tập trung có trọng tâm trọng điểm, dễ quyết toán, giải ngân…