Buổi làm việc xoay quanh dự án hợp tác kỹ thuật để Quy hoạch phát triển về phục hồi sau lũ lụt và xây dựng quy hoạch tổng thể phòng chống thiên tai ở Miền Trung Việt Nam. Dự án do JICA thực hiện tập trung hỗ trợ chủ yếu tại tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
Đại diện JICA thông tin, Vùng lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề và thiệt hại lớn do lũ lụt gây ra, tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ở Nhật Bản cũng có những khu vực bị ảnh hưởng tương tự như tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Nhật Bản đã và đang thực hiện các giải pháp an toàn, hiệu quả bảo vệ người dân, hạ tầng của nhà nước.
Dự án nhằm tăng cường đầu tư phòng chống thiên tai từ chính phủ Việt Nam và đóng góp vào việc giảm thiệt hại do lũ lụt một cách căn cơ tại lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn ở miền Trung Việt Nam.
JICA dự kiến thực hiện dự án trong 36 tháng với 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 3/2024 đến tháng 2/2027. Trong đó, JICA tập trung vào điều tra cơ bản và cung cấp, lắp đặt các thiết bị cần thiết quan trắc thủy văn, thiết bị giám sát thiên tai tại lưu vực sông mục tiêu, đánh giá nguy cơ rủi ro lũ lụt và xây dựng IFMP (kế hoạch quản lý lũ lụt tổng hợp) trong lưu vực mục tiêu, thiết lập cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan để thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống lũ lụt.
Hoan nghênh đoàn công tác của JICA làm việc tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định Quảng Nam đang mong muốn có sự quản lý tập trung như mục tiêu dự án của JICA đề ra trong phòng chống thiên tai ở địa phương.
“Kế hoạch về dự án của phía JICA khá hoàn hảo, là đúc kết của đội ngũ chuyên gia qua nhiều chuyến làm việc ở nhiều nơi. Trong quá trình khảo sát của dự án sắp tới, Quảng Nam sẵn sàng đáp ứng, tạo điều kiện tốt nhất để đoàn khảo sát làm việc đạt kết quả cao nhất” – ông Bửu nói.
Ông Bửu cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh cung cấp thông tin chi tiết về các dự án, nghiên cứu đang thực hiện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn cho đoàn khảo sát. Đồng thời đề nghị dự án phải có độ mở để kết nối với hệ thống các dự án mà Quảng Nam đã và đang triển khai ở lưu vực này, để đạt được mục đích cuối cùng là phát huy hiệu quả cao nhất trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai và nhiều nhiệm vụ khác ở lưu vực sông này.