Kinh tế chưa hoàn toàn hồi phục
Thông tin tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay qua 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đạt 3/16 chỉ tiêu theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra năm 2024, bao gồm số giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ công dân gọi nhập ngũ.
Tỉnh còn 3/16 chỉ tiêu chưa đạt bao gồm tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh, thu ngân sách trên địa bàn (chưa tính 10/16 chỉ tiêu sẽ rà soát đánh giá vào cuối năm).
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 2,7%. Tuy vậy, nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn. Các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024.
Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định khoảng 3 – 3,5%, khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung. Khu vực công nghiệp phục hồi chậm; khu vực dịch vụ, du lịch có chuyển biến, nhưng thiếu yếu tố đột phá.
Sở KH&ĐT nhận định, doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với khó khăn về thị trường. Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông… là thách thức lớn đối với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh trong 6 tháng cuối năm. Do đó, dự kiến đến cuối năm 2024, chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) khó đạt mức 7,5 – 8%.
Trước những biến động khó lường của tình hình kinh tế – xã hội, đại diện Cục Thống kê Quảng Nam cho hay chỉ số giá sản xuất, giá tiêu dùng tăng cao trong 6 tháng đầu năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian đến.
Nhập khẩu tăng, nhưng so sánh trên nền thấp của năm 2023; việc nhập khẩu linh kiện không chỉ phục vụ cho 6 tháng cuối năm mà còn cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh gặp khó như ô tô chịu nhiều áp lực về cạnh tranh trong xuất khẩu, sức mua nội địa đã chững lại, có chiều hướng bão hòa; nhà máy bia Heineken đã dừng sản xuất; sản xuất điện chịu sự điều tiết của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam…
Trong quý III, dự báo tăng trưởng dương nhưng không đạt được như quý II. Mức dự báo tăng trưởng quý III là +3%, 9 tháng +2,9%, là mức tăng trưởng dương nhưng không như kỳ vọng. Quy mô GRDP 9 tháng được dự báo tương ứng 86 nghìn tỷ đồng.
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ
Ông Nguyễn Duy Ân – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, qua 6 tháng đầu năm, thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất của thành phố đạt thấp. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công tác lập thủ tục đầu tư xây dựng, quy hoạch còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp so với bình quân chung của tỉnh.
Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn còn nhiều vướng mắc, chưa có sản phẩm cụ thể về lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, bao gồm cả dự án đấu giá quyền sử dụng đất.
Ông Phan Xuân Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thông tin, một số quy hoạch đã hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp tình hình hiện nay, cụ thể là quy hoạch Khu di tích Mỹ Sơn, quy hoạch chung Duy Hải – Duy Nghĩa chưa được phê duyệt, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các dự án. Địa phương này cũng đối mặt với việc thiếu vật liệu phục vụ các dự án trọng điểm…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh phải nỗ lực vượt khó, sáng tạo, nhận diện vướng mắc để tập trung tháo gỡ.
“Tỉnh ủy sẵn sàng đồng hành tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, gỡ vướng giải phóng mặt bằng, các vấn đề pháp lý về đất đai, xúc tiến đầu tư…
Về vật liệu xây dựng, phải có giải pháp hiệu quả khắc phục sớm nhất tình trạng khan hiếm. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chủ động nghiên cứu các đề án, cơ chế trong thực hiện quy hoạch tỉnh.
Bên cạnh đó, phải rà soát phương án phòng chống thiên tai, duy trì kỷ luật trong giải ngân đầu tư công, chú ý lấy ý kiến hoạch định, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội nhiệm kỳ tới phù hợp quy hoạch và đặc thù của tỉnh trong thời gian tới” – Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Biểu dương những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu các sở, ngành, lãnh đạo các địa phương phải tập trung cải cách hành chính, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
“Các sở ngành, địa phương phải quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, có giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư, đồng thời tập trung cho các dự án động lực.
Ngành TN-MT chủ động quán triệt Luật Đất đai mới, củng cố bộ máy tổ chức từ cơ sở đến tỉnh để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-kho-tao-dot-pha-cho-tang-truong-3137741.html