Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tính chung trong 10 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 929 doanh nghiệp mới đăng ký thành lập (giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,1 nghìn tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 413 doanh nghiệp (tăng 9,3% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 1.342 doanh nghiệp (giảm 3,2% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 1.390 doanh nghiệp (tăng 12,4% so với cùng kỳ). Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là 8.527doanh nghiệp.
Do nhiều yếu tố về tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trên địa bàn trong thời gian qua suy giảm, dẫn đến mức độ tăng trưởng của ngành ngân hàng đến nay chưa đạt được như dự kiến. Dư nợ cho vay đến cuối tháng 10/2024 chỉ mới tăng 2,14% so đầu năm. Dư địa cho vay của các ngân hàng thương mại còn nhiều. Tính đến nay, địa bàn Quảng Nam có 31 chi nhánh tổ chức tín dụng, 3 quỹ tín dụng, 1 văn phòng đại diện, 26 chi nhánh cấp 2 và 114 phòng giao dịch ngân hàng thương mại.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tuân thủ tốt các quy định về lãi suất. Thực hiện niêm yết công khai các mức lãi suất tại quầy giao dịch, trang tin điện tử, đặc biệt là chấp hành tốt tiết giảm các chi phí không cần thiết theo chủ trương của ngành để hỗ trợ hạ mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận tín dụng.
Tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tinh đạt 93.398 tỷ đồng (tăng 9,47% so với đầu năm). Dư nợ cho vay tăng chủ yếu vào 4 tháng đầu năm, tuy nhiên tốc độ tăng ở mức trung bình, sau đó liên tục giảm và bắt đầu tăng tốc ở tháng 10. Dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đến nay đạt 109.147 tỷ đồng (tăng 2,14% so với đầu năm, đạt 88,89% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024), hầu hết các đơn vị chưa đạt chỉ tiêu tín dụng đã đăng ký.
Về thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngành ngân hàng Quảng Nam đã tích cực triển khai nhiều giải pháp. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các tổ chức tín dụng kéo dài thời gian thực hiện đến 31/12/2024 thay vì đến 30/6/2024. Ngành ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay 0,96 – 1,31%/năm so với đầu năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4%/năm; cho vay ngắn hạn khác ở mức 6,72%/năm; cho vay trung dài hạn mức 9,52 – 10,04%/năm.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam thường xuyên tham gia các buổi đối thoại và tiếp doanh nghiệp định kỳ do UBND tỉnh chủ trì tổ chức. Qua đó, đã nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc có liên quan đến vốn tín dụng và có hướng giải quyết kịp thời, giúp doanh nghiệp đáp ứng nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn luôn quan tâm đến việc cải tiến, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho khách hàng vay vốn; đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng. Các ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm tín dụng với điều kiện cho vay thoáng hơn, lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện nhiều gói tín dụng ưu đãi đối với doanh nghiệp như chương trình “Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp” của Vietinbank, BIDV cho vay quy mô 300 nghìn tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp. Chương trình ưu đãi vay ngắn hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp FDI năm 2024 với quy mô 1.300 tỷ đồng của ACB…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-ket-noi-ngan-hang-voi-doanh-nghiep-3144109.html