Tỷ lệ giải ngân vốn thấp
Theo báo cáo của Sở KH-ĐT tại cuộc làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn với lãnh đạo một số ngành và địa phương mới đây, năm 2024, tổng kế hoạch vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Quảng Nam gần 3.646 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương xấp xỉ 2.642 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh gần 1.004 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2022 – 2023 chuyển sang năm 2024 hơn 1.423 tỷ đồng và vốn bố trí năm 2024 gần 2.223 tỷ đồng.
Trong tổng nguồn vốn nêu trên, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được bố trí gần 1.002,5 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững xấp xỉ 1.271,5 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 1.372 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo ngành liên quan, chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia vừa nêu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn.
Tuy nhiên, thực tế 3 tháng qua cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn của các chương trình chỉ đạt bình quân 5%, trong đó vốn đầu tư giải ngân đạt 6% và vốn sự nghiệp giải ngân đạt 4%.
Cụ thể, đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tổng kế hoạch vốn năm 2024 (kể cả nguồn vốn năm 2022 và 2023 kéo dài) gần 1.002,5 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay mới giải ngân được xấp xỉ 141 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 14%.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn năm 2024 (kể cả nguồn vốn năm 2022 và 2023 chuyển sang) xấp xỉ 1.271,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới giải ngân được hơn 25,2 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 2%.
Đối với chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng kế hoạch vốn năm 2024 (kể cả nguồn vốn năm 2022 và 2023 kéo dài) là gần 1.372 tỷ đồng. Vậy nhưng, đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 14 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 1%.
Đẩy nhanh tiến độ
Nhiều ý kiến đề nghị, đối với các dự án mới năm 2024, chính quyền các địa phương và những đơn vị liên quan phải khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư để phân bổ dứt điểm kế hoạch vốn còn lại trước ngày 15/4/2024.
Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín để thực hiện các nhiệm vụ của dự án. Tránh tình trạng phải bổ sung, điều chỉnh hồ sơ dự án nhiều lần làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn và chất lượng dự án.
Sớm tổ chức đấu thầu, triển khai giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng đúng tiến độ và thi công trong tháng 5/2024. Còn đối với các dự án năm 2022 và 2023, cần tập trung đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành, tiến hành nghiệm thu và lập hồ sơ thanh toán theo quy định.
Cùng với đó, triển khai tốt các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung bố trí đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành 3 chương trình.
Tổ chức lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của những chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện các mục tiêu, nhất là mục tiêu huyện, xã về đích NTM và huyện thoát nghèo.
Ngoài ra, chính quyền các cấp cần ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng ngân sách địa phương theo cam kết của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tránh để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện những phần việc, dự án và giải ngân vốn của các chương trình.
“Yêu cầu đặt ra đối với các địa phương là cuối tháng 6/2024 phải giải ngân hết nguồn vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023; cuối tháng 8/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2023; cuối tháng 12/2024 giải ngân hết nguồn vốn của năm 2024. Trong đó, ưu tiên tập trung giải ngân dứt điểm vốn ngân sách trung ương, sau đó đến ngân sách tỉnh và tiếp theo là vốn đối ứng của ngân sách địa phương…” – ông Tuấn lưu ý.