Liên hoan do Bộ VH-TT&DL phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An, Bộ NN&PTNT tổ chức, diễn ra từ ngày 22 – 26/11 tại TP.Vinh (Nghệ An), với sự tham gia của 11 đoàn nghệ thuật tiêu biểu trên toàn quốc.
Trong ngày hội văn hóa này, các nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân của Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Nam trình diễn các tiết mục đặc sắc mang đậm văn hóa truyền thống của vùng đất và con người xứ Quảng trong bức tranh sắc màu truyền thống của Việt Nam. Chung cuộc, cả 4 tiết mục của Quảng Nam đều đoạt giải cao.
Cụ thể, có 2 giải A (tiết mục “Diễn xướng dân gian bài chòi” và tiết mục múa độc lập “Hồn gốm”); 1 giải B (tiết mục hát múa “Về miền di sản”) và giải màn trình diễn áo dài truyền thống duyên dáng (tiết mục “Trình diễn trang phục áo dài truyền thống”). Ngoài ra, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tặng Bằng khen cho tiết mục múa độc lập “Hồn gốm” (biên đạo: Ngọc Trâm).
Chia sẻ niềm vui sau khi nhận giải, chị Nguyễn Ngọc Trâm – biên đạo tiết mục múa “Hồn gốm”, cho biết: “Tôi đã đi thực tế nhiều lần tìm hiểu các công đoạn làm gốm tại làng gốm Thanh Hà (Hội An). Khi dàn dựng tiết mục này, tôi đã cố gắng sắp xếp từ động tác múa, đội hình múa và các đạo cụ như đất sét, bình gốm, cùng với chọn lựa nhạc nền, hình ảnh led phụ họa để tạo hiệu ứng nghệ thuật, thổi hồn vào tiết mục múa “Hồn gốm””.
Theo chị Ngọc Trâm, tiết mục nhằm truyền tải thông điệp làng gốm Thanh Hà là một làng nghề truyền thống và là điểm đến du lịch nổi tiếng của Quảng Nam đến với khán giả Nghệ An và các đoàn bạn tham gia. “Thành tích giải A của ban tổ chức và Bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội là phần thưởng khích lệ rất lớn giúp tôi và các diễn viên múa Quảng Nam sẽ tiếp tục sáng tạo, tập luyện trên con đường lao động nghệ thuật” – chị Ngọc Trâm nói.
Ông Nguyễn Văn Phước – tác giả viết lời và dàn dựng tiết mục “Diễn xướng dân gian bài chòi” cho biết, bài chòi là đặc trưng nhất cho “chất Quảng” trong các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Quảng Nam.
“Vì vậy, tôi đã vận dụng các điệu hò Quảng, xuân nữ, hò ba lý, lý vãi chài… vào từng lời hát. Tất cả anh chị em diễn viên đã phối hợp nhịp nhàng, uyển chuyển cùng sự diễn xuất dí dỏm và tung hứng linh hoạt để tái hiện không gian hô hát bài chòi tươi vui, rộn ràng. Được tham gia ngày hội văn hóa này, bản thân tôi cũng như các diễn viên, nhạc công được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sáng tạo nghệ thuật là điều đáng quý nhất. Tôi cảm thấy mình càng có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật bài chòi” – ông Phước chia sẻ.
Theo ban tổ chức, liên hoan nhằm tôn vinh nét đẹp trong sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật dân gian trên cơ sở kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại. Gần 40 tiết mục được các đoàn thể hiện ấn tượng, hấp dẫn trong những ngày liên hoan. Đây là một trong những hoạt động văn hóa chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23/11).
Bà Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Quảng Nam cho biết, đoàn đã chọn lựa kỹ càng những tiết mục phản ánh và tôn vinh nét đẹp thể hiện sự đa dạng, phong phú của các loại hình nghệ thuật dân gian của Quảng Nam trên cơ sở kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại. Cả 4 tiết mục tham gia và tiết mục nào cũng có giải, trong đó có giải kép của tiết mục múa “Hồn gốm”.
“Tất cả là kết quả lao động nghệ thuật đầy tâm huyết của những người làm công tác văn hóa, văn nghệ tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam. Phát huy kết quả đạt được, thời gian đến, trung tâm sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa, tham gia các hội thi, liên hoan, hội diễn khu vực và toàn quốc, đồng thời phục vụ nhiệm vụ chính trị nhân các ngày lễ lớn của tỉnh, của đất nước. Trung tâm Văn hóa Quảng Nam cũng sẽ có nhiều hoạt động phục vụ cơ sở, nâng cao đời sống tinh thần, hưởng thụ văn hóa văn nghệ của nhân dân trên địa bàn tỉnh” – bà Hương nói.
Khép lại những ngày Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam – những sắc màu di sản” thật rộn ràng và đặc sắc trên đất thành Vinh. Hội tụ, sáng tạo và cùng nhau tỏa sáng, truyền tải những sắc màu đặc trưng văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống phong phú là thông điệp chung của liên hoan lần này. Trong đó, cùng với các tỉnh, thành bạn, Đoàn nghệ thuật quần chúng Quảng Nam đã góp phần thể hiện sinh động, cống hiến và lan tỏa những giá trị đặc trưng văn hóa xứ Quảng, như câu hô hát bài chòi vẫn còn ngân vang “Vui ngày di sản hôm nay/ Mọi miền đất nước đó đây sum vầy/ Bắc – Trung – Nam ta cùng về…”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-doat-giai-cao-tai-lien-hoan-nghe-thuat-dan-gian-truyen-thong-toan-quoc-3144853.html