Quảng Nam có biên giới đất liền dài hơn 157,4km tiếp giáp với tỉnh Sê Kông (Lào) thuộc huyện Nam Giang và Tây Giang; trên tuyến này hiện có cặp Cửa khẩu quốc tế Nam Giang – Đắc Tà Oọc và Cửa khẩu phụ Tây Giang – Kà Lừm.
Theo kế hoạch, đối với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, sẽ nâng cấp, đầu tư mới cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn cửa khẩu quốc tế. Đối với Cửa khẩu Tây Giang, đầu tư mới cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế.
Về tiến độ thực hiện, đến năm 2025 hoàn thành đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, như đầu tư xây dựng nhà công vụ phục vụ cho các cơ quan làm việc tại cửa khẩu; xây dựng bến, bãi đậu đỗ phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại đảm bảo theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định.
Đồng thời nâng cấp Trạm kiểm soát liên hợp phù hợp với công năng quản lý thông quan hàng hóa tại cửa khẩu. Đến năm 2029 hoàn thành đầu tư, nâng cấp mở rộng toàn tuyến quốc lộ 14D theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định.
Đối với Cửa khẩu Tây Giang, đến trước năm 2029 hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng cửa khẩu; trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và tuyến ĐT606 đảm bảo theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền; hoàn thành hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt nâng cấp cửa khẩu chính, xác lập phạm vi khu vực cửa khẩu, quy hoạch chung đầu tư, xây dựng Cửa khẩu Tây Giang.
Đến trước năm 2050, hoàn thành hồ sơ, thủ tục và đầu tư cơ sở hạ tầng Cửa khẩu Tây Giang; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và tuyến ĐT606 đảm bảo theo tiêu chí, tiêu chuẩn quy định; công bố nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế.
UBND tỉnh yêu cầu đầu tư xây dựng các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, logistics, du lịch và dịch vụ tương xứng với tiềm năng và nhu cầu giao thương giữa tỉnh Quảng Nam với tỉnh Sê Kông.
Xác định đầu tư xây dựng các cửa khẩu có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông.
Các hạng mục đầu tư hợp lý, phù hợp công năng sử dụng và lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa qua cửa khẩu; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng công, nhất là giao thông đường bộ kết nối vùng và giao thông đối ngoại.