Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Về phía Quảng Nam, có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết tham dự.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã nghe đại diện lãnh đạo các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh và cả vùng.
Các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy của các địa phương trong vùng đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng, tác động đến tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của vùng trong thời gian qua cũng như giai đoạn sắp đến.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, thuận lợi cho các địa phương trong đại hội nhiệm kỳ tới đây là quy hoạch chung cấp tỉnh/thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định định hướng phát triển của các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tuy nhiên, vấn đề là huy động nguồn lực nào để cụ thể hóa các chương trình, mục tiêu dự án, nhất là những dự án lớn, chương trình lớn, đề án lớn.
Do đó, để địa phương có thêm nguồn lực cụ thể hóa quy hoạch tỉnh thì mong muốn Trung ương nghiên cứu có thêm cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là chính sách xã hội hóa để đầu tư cho các dự án hạ tầng lớn.
“Đơn cử như với Quảng Nam, từ đây đến năm 2030 để cụ thể hóa quy hoạch tỉnh cần tới 630 nghìn tỷ đồng trong khi tổng nguồn lực đầu tư công trong 5 năm tới nhiều lắm cũng chỉ khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng. Do đó nguồn lực từ xã hội hóa là hết sức quan trọng” – đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đề xuất cần có cơ chế phù hợp cho những tỉnh có nhiều di sản thiên nhiên và di sản văn hóa để khai thác nguồn lực văn hóa, di tích, kết hợp kinh tế xanh và bảo tồn di tích. Đầu tư nguồn lực của Trung ương kể cả nguồn lực về kinh phí, về chuyên gia quốc tế cho công tác bảo tồn và trùng tu các di tích.
Đồng thời cần sớm có cơ chế hướng dẫn về quản lý bảo vệ rừng và phát triển kinh tế rừng, để người dân thực sự sống được nhờ vào rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng.
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các địa phương đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố trong vùng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ những thế mạnh riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và mang tính bền vững.
Trọng tâm là đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI, tiếp tục đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… Riêng về cơ cấu kinh tế, ngoài tập trung cho các ngành mang tính chất đại diện cho xu thế của thời đại cần chú trọng phát triển theo mô hình kinh tế tự nhiên hài hòa, một nền kinh tế độc lập, tự chủ, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo trên cơ sở phát huy giá trị tự nhiên, giá trị di sản.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-de-xuat-trung-uong-nghien-cuu-co-them-co-che-chinh-sach-xa-hoi-hoa-dau-tu-cho-cac-du-an-ha-tang-lon-3138873.html