Hường ra thị trường thế giới
Cuối tháng 9 vừa qua, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức chương trình xúc tiến thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới tại New Dehli (Ấn Độ). Tỉnh Quảng Nam đã cử đoàn công tác tham gia hoạt động này.
Trong thời gian diễn ra sự kiện, ngoài tham dự Hội nghị Xúc tiến TMĐT xuyên biên giới Việt Nam – Ấn Độ 2024 do Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp Bộ Công Thương tổ chức, đoàn tham gia nhiều hoạt động liên quan TMĐT như chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức kinh doanh; tham quan Hội chợ triển lãm thương mại quốc tế Uttar Pradesh (UPITS) 2024, nơi trưng bày giới thiệu các mặt hàng công nghệ chế biến thực phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, vải dệt may thời trang và may mặc; công nghiệp và sản xuất; năng lượng tái tạo, ô tô – EV; công nghệ thông tin và truyền thông; dược phẩm, khởi nghiệp, logistics, du lịch, nhà hàng, khách sạn…
Theo ông Lê Vũ Thương – Giám đốc Sở Công Thương, việc tham dự sự kiện sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Quảng Nam mở rộng tầm nhìn, xây dựng mối quan hệ, nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt với Ấn Độ, quốc gia có dân số đông, nhu cầu về các loại hàng hóa rất lớn, nhất là văn hóa sử dụng nhiều gia vị trong thực phẩm. Đây sẽ là cơ hội tốt cho nông sản, thực phẩm của tỉnh xâm nhập vào thị trường này.
“Chúng tôi nhận thấy TMĐT xuyên biên giới giữa hai quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, nhất là trên lĩnh vực trao đổi, mua bán hàng hóa. Hiện tại, hàng hóa doanh nghiệp Quảng Nam tại Ấn Độ chưa nhiều. Những sản phẩm hàng hóa nước bạn cần số lượng lớn chủ yếu là lụa và một số mặt hàng liên quan đến thực phẩm như tiêu, quế… Đây là những thông tin quan trọng từ phía doanh nghiệp Ấn Độ mà đoàn tiếp nhận được sau chuyến đi” – ông Thương nói và cho biết, thời gian tới Sở Công Thương sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch định hướng chiến lược dài hạn trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến TMĐT tại thị trường Ấn Độ.
Tận dụng nền tảng số
Các nghiên cứu cho thấy, chi phí xúc tiến thương mại trực tuyến chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến TMĐT là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập thông tin cũng như giao dịch khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Thực tế, vài năm trở lại đây cùng sự phát triển vượt bậc của công nghệ và các nền tảng mạng xã hội… hành vi tiêu dùng của bộ phận người dân, nhất là giới trẻ cũng dần thay đổi. Trong đó, việc chuyển đổi từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online không dùng tiền mặt trở nên phổ biến, góp phần thúc đẩy hoạt động TMĐT, kinh tế số phát triển sôi động.
Đặc biệt, dựa trên những tiện ích công nghệ, hình thức quảng bá xúc tiến thương mại, kết nối khách hàng của doanh nghiệp cũng đa dạng hơn. Nhiều cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất đã đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên không gian số và sàn TMĐT như Portmart.vn, Voso.vn… giúp thị trường tiêu thụ sản phẩm Quảng Nam từ bó hẹp trong huyện, trong tỉnh mở rộng ra toàn quốc, kể cả nước ngoài.
Theo Sở Công Thương, bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đưa sản phẩm lên Trang thông tin giới thiệu sản phẩm Quảng Nam và các sàn TMĐT, mỗi năm Sở Công Thương còn triển khai hỗ trợ 5-15 cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng website, giúp cộng đồng doanh nghiệp làm quen với TMĐT hướng đến mua bán, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa hiệu quả. Qua đó, giúp đa dạng mô hình hoạt động, đối tượng tham gia dựa trên những hỗ trợ, lợi thế hạ tầng internet và các ứng dụng công nghệ, đưa TMĐT trở thành phương thức kinh doanh không thể thiếu trong phát triển kinh tế số đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng.
Đến nay, hầu hết cơ sở sản xuất, doanh nghiệp Quảng Nam đã có trang thông tin điện tử và tận dụng các mạng xã hội cập nhật thường xuyên thông tin sản phẩm và quảng bá sản phẩm mua bán hàng hóa…
Nghị quyết 13 về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 của Tỉnh ủy Quảng Nam đặt mục tiêu có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50% vào năm 2025, hướng đến có 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT vào năm 2030.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-day-manh-xuc-tien-thuong-mai-dien-tu-3142765.html