Cần thiết
Dự án Phát huy giá trị di tích Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở thôn 1, Tiên Cảnh, Tiên Phước được phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh (2017& 2022). Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh, bổ sung gần 49,2 tỷ đồng (ngân sách trung ương 25 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 24,2 tỷ đồng).
Quá trình thực hiện dự án đã được cấp thẩm quyền chỉ đạo, rà soát toàn bộ dự án, bảo đảm tuân thủ theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương (chỉnh trang cảnh quan, tu bổ di tích gốc đúng quy định…).
Dự án đã kéo dài nhiều năm, thay đổi chủ đầu tư, triển khai chậm, không có khả năng giải ngân và quá thời hạn giải ngân nên phải nộp trả ngân sách trung ương (22,77/25 tỷ đồng).
Dự án Đường tránh phía Tây Ái Nghĩa (Đại Lộc) đã được phê duyệt tháng 8/2019. Tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 70 tỷ đồng). Thời gian thực hiện dự án 2021 – 2025.
Dự án Đường giao thông từ ĐH3.ĐL (Đại An) đi Trung tâm hành chính huyện Đại Lộc đã được phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh cuối cùng vào tháng 5/2024 với tổng mức đầu tư được duyệt 60 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 54 tỷ đồng và ngân sách huyện 6 tỷ đồng).
Thời gian thực hiện dự án năm 2021 – 2024. Cả hai dự án này đều gặp khó khăn về chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Kiểm kê thực tế giá trị thiệt hại của dân nhiều hơn so dự kiến ban đầu, nên dẫn đến vượt tổng mức đầu tư.
Dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2) đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 30/10/2015. Tổng mức đầu tư gần 199,5 tỷ đồng, nguồn đầu tư từ ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu, được thực hiện từ 2017 – 2020.
Điều chỉnh, bổ sung đồng bộ độ sâu toàn tuyến luồng từ phao số 0 đến bến Tam Hiệp (dài 11km) được nạo vét đồng bộ đến cao độ âm 10m hải đồ để đảm bảo cho tàu 1,5 vạn tấn đủ tải, tàu 2 vạn tấn và lớn hơn giảm tải hoặc lợi dụng mực nước thủy triều cao để hành thủy vào đến các bến Kỳ Hà, Tam Hiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở KH-ĐT, điều chỉnh chủ trương đầu tư, dừng thực hiện, hoàn thành các thủ tục kết thúc, quyết toán dự án, sẽ mở ra cơ hội xã hội hóa đầu tư, tạo điều kiện phát triển cảng biển địa phương.
Các báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh và cơ quan thẩm định đều cho rằng, sự điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 dự án này đều cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, hai dự án giao thông ở Đại Lộc tăng chi phí bồi thường, cần bổ sung vốn, điều chỉnh thời gian thực hiện để phù hợp với tiến độ hoàn thành công trình. Thời gian thực hiện dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2) đã hết (2017 – 2023). Cần thời gian thực hiện các hồ sơ, thủ tục quyết toán dự án hoàn thành, nên dừng thực hiện, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.
Còn dự án Nhà lưu niệm cụ Huỳnh đã quá thời hạn bố trí vốn ngân sách trung ương; cần bố trí vốn ngân sách tỉnh (thay thế vốn ngân sách trung ương) và dự án cần điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục đầu tư. “Việc điều chỉnh các dự án này là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế đáp ứng mục tiêu đầu tư” – ông Đức nói.
Tính toán nguồn vốn
Sự thay đổi, điều chỉnh (quy mô đầu tư, nguồn vốn đầu tư, thời gian thực hiện dự án) thật sự cần thiết để bảo đảm hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, điều băn khoăn là nguồn lực ở đâu để thực hiện dự án.
Theo phân tích, ngân sách tỉnh phải bù 22,77 tỷ đồng cho dự án Nhà lưu niệm cụ Huỳnh, dự án Đường tránh phía Tây Ái Nghĩa đã tăng thêm 48,4 tỷ đồng (148,4/100 tỷ đồng) và ĐH3.ĐL tăng hơn 35,8 tỷ đồng (95,8/60 tỷ đồng) và 1,83 tỷ đồng của ngân sách tỉnh bỏ ra cho dự án Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà.
Theo ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, phần chi phí tăng 2 dự án giao thông của Đại Lộc sẽ chịu trách nhiệm bố trí từ vốn ngân sách huyện năm 2024 – 2025.
Vốn bổ sung cho dự án Nhà lưu niệm cụ Huỳnh sẽ được bố trí từ số vốn tiết kiệm thông qua việc cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án hoàn thành, giá trị quyết toán giảm, thừa vốn không có nhu cầu sử dụng, dự án chậm, kéo dài nhiều năm, quá thời hạn bố trí vốn và dự án dừng thực hiện, không có nhu cầu sử dụng hết kế hoạch vốn còn lại.
“Tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác định trong bước lập dự án điều chỉnh trên cơ sở khối lượng, định mức đơn giá theo quy định hiện hành, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh được cấp thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư cần tính toán thời gian thực hiện dự án điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tính khả thi, tránh trường hợp phải xin gia hạn thời gian thực hiện dự án” – ông Hưng nói.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Các cuộc thẩm tra, giám sát của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh gần đây cho thấy, kỳ họp HĐND tỉnh lần nào cũng có dự án đầu tư xin điều chỉnh.
Phát sinh chi phí chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng, chứng tỏ các chủ đầu tư chưa tính toán đầy đủ chi phí, thẩm định dự án còn yếu, lập dự án chưa tính đến các phương án phát sinh hoặc đưa ra quy mô dự án vốn nhỏ để dễ dàng thông qua. Một khi dự án chậm trễ, kéo dài sẽ gây nên tình trạng đội vốn, tăng tổng mức đầu tư là điều khó tránh khỏi.
Ông Đặng Tấn Phương – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh nói, bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài, công tác kiểm kê, xác định tài sản thiệt hại chưa chính xác. Sự vụ này đã dẫn đến chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án tăng nhiều so dự kiến ban đầu, buộc phải trình điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo ông Phương, không nên để tình trạng này trở thành thông lệ. Cận hạn chế đến mức thấp nhất chuyện điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng vốn. Khi lập dự toán cần tính toán đúng, sát thực tế chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của từng dự án… trước khi trình phê duyệt. Chủ đầu tư cần cam kết đúng tiến độ, thời gian thực hiện dự án.
Chất lượng, hiệu quả sử dụng công trình là tiêu chí hàng đầu. Nhất là các dự án đã được điều chỉnh. Theo ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh, chủ đầu tư, cơ quan thẩm định cần tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong công tác lập, thẩm định hồ sơ dự án, thiết kế, dự toán… bảo đảm hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục theo quy định.
Hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án sau khi đã quyết định chủ trương đầu tư hoặc điều chỉnh. Sẽ phải được kiểm tra, giám sát chất lượng, từ đấu thầu đến thi công, giảm thiểu lãng phí, thất thoát đầu tư khi ngân sách ngày càng hạn hẹp.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dieu-chinh-chu-truong-dau-tu-4-du-an-quang-nam-dat-tieu-chi-chat-luong-va-hieu-qua-len-hang-dau-3141809.html