Lần đầu tiên trong lịch sử chạy đua điểm số, thứ hạng, Quảng Nam đã không bị đánh rớt ra khỏi tốp 30 tỉnh, thành có chỉ số PCI cao nhất Việt Nam.
Nhiều phân tích đã chỉ ra kết quả điểm số hay xếp hạng vị thứ PCI không quyết định để đánh giá về thành công hay thất bại trong việc cung cấp môi trường đầu tư, kinh doanh hay năng lực điều hành của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, dù chỉ là kênh tham khảo, nhưng không ít nhà đầu tư đã dựa vào chỉ số này để so sánh các địa phương trước khi đầu tư. Một khi PCI liên tục bị rớt hạng, buộc địa phương phải tự thức nhận về các điểm yếu, mạnh của công cuộc cải cách để cải thiện hình anh địa phương.
Không “tham vọng quá lớn”, Quảng Nam chỉ đặt mục tiêu phấn đấu PCI năm 2024 và các năm sau nằm trong tốp 30 cả nước. Địa phương sẽ tập trung cải thiện các chỉ số thành phần bị giảm điểm (tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền tỉnh, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý và an ninh trật tự) và tiếp tục duy trì, nâng cao điểm số các chỉ số thành phần tăng điểm của năm 2023 (gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, chi phí thời gian và đào tạo lao động). Phấn đấu năm 2024, có 6/10 chỉ số thành phần đạt trên 7 điểm.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, kế hoạch cải thiện lần này là chú trọng vào việc khắc phục những điểm yếu cố hữu. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương trong thẩm quyền, chủ động đề ra các giải pháp cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công theo phụ lục cụ thể, để đạt được kết quả tốt nhất trên thực tế.
Kết quả các chỉ tiêu/chỉ số thành phần được giao như thế nào, các cơ quan này phải chịu trách nhiệm và giải trình trước UBND tỉnh. Các cơ quan thông tấn, báo chí, các nền tảng xã hội… là phần quan trọng chuyển tải kế hoạch cải thiện chỉ số, để các cấp, các ngành thực thi…
“Sự khác biệt của kế hoạch cải thiện lần này là sẽ tiến đến chấm dứt sự thiếu phối hợp, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan công quyền, địa phương, giảm thiểu khoảng trống truyền thông, buộc đề cao tầm quan trọng cải thiện môi trường đầu tư trên tinh thần phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ công bộc” – ông Bửu nói.
Cộng đồng doanh nghiệp từng thừa nhận Quảng Nam không thiếu kế hoạch, chỉ thị đúng đắn, nhưng thiếu sự thừa hành đã khiến các cuộc cải cách không như ý muốn. Chất lượng thực thi từ cơ sở trên nền các chỉ thị, văn bản của chính quyền cấp trên có đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp hay không là điều quan trọng nhất. Thành công của cuộc cải cách vẫn chờ vào sự đánh giá, cho điểm của doanh nghiệp trên thực tế, thông qua các công bố PCI các năm tới!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-dat-chi-tieu-nang-luc-canh-tranh-3138721.html