Nhiều công trình hư hỏng
Quảng Nam có 73 hồ chứa nước thủy lợi (22 hồ chứa nước lớn, 21 hồ chứa nước vừa, 20 hồ chứa nước nhỏ). Hiện nay, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý 17 hồ thủy lợi, còn lại là cấp huyện, xã quản lý 56 hồ.
Ông Phạm Quang Đông – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho biết, Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan vừa đi kiểm tra, đánh giá hoạt động của 61/73 hồ chứa nước thủy lợi (12 hồ thủy lợi đang sửa chữa, nâng cấp).
Qua đó phát hiện 6 đập bị thấm, trong đó có 3 hồ thủy lợi thấm nặng. Có 6 hồ thủy lợi bị biến dạng mái đập (sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu), trong đó có 3 mái đập bị biến dạng nặng (Hố Quốc, Vũng Tôm, Bà Xá).
Ba hồ thủy lợi tràn xả lũ chưa được gia cố bằng bê tông hoặc đá xây (Dương Hòa, Hóc Hương, Vũng Tôm). Có 11 hồ thủy lợi bị xói lở thân tràn, đuôi tràn, tiêu năng (hồ thủy lợi Vũng Tôm bị nặng, 10 hồ bị nhẹ).
Có 6 hồ thủy lợi hư hỏng thân cống (2 hồ bị nặng); có 3 hồ thủy lợi bị hỏng dàn van (1 hồ bị nặng). “Qua kiểm tra nhận thấy các hồ thủy lợi do các địa phương quản lý cần được trang bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị quản lý, quan trắc, thông tin liên lạc và cần nâng cấp sửa chữa hệ thống đường giao thông” – ông Đông nói.
Theo ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, hiện nay năng lực quản lý hồ thủy lợi ở địa phương hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ và số lượng; thiết bị quan trắc, hồ sơ lưu trữ chưa đáp ứng theo quy định nên khó khăn trong quản lý, vận hành hồ thủy lợi. Phần lớn các hồ thủy lợi bị người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình.
“Nhiều hồ thủy lợi được xây dựng ở nhiều vị trí xa xôi, rất khó đi lại, giao thông hiểm trở; trong khi đó cơ sở vật chất, phương tiện quản lý, thông tin liên lạc còn thiếu, sơ sài nên rất khó ứng cứu công trình khi bị sự cố, nhất là vào mùa mưa bão.
Hiện nay, dù UBND tỉnh giao triển khai thực hiện Luật Thủy lợi và các nghị định thi hành Luật Thủy lợi nhưng đa số các địa phương vẫn chưa thực hiện các nhiệm vụ bảo trì, kiểm định an toàn hồ thủy lợi, quy trình vận hành hồ chứa” – ông Tý nói.
Giải pháp đảm bảo an toàn
Trước tình trạng các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh xuống cấp, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam đã tranh thủ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai tiểu dự án sửa chữa, nâng cao an toàn đập (WB8).
Với nguồn vốn hơn 299,5 tỷ đồng (WB tài trợ gần 284 tỷ đồng), ngành chức năng đã sửa chữa, nâng cấp các đập, tăng cường năng lực quản lý, vận hành an toàn đập cho 17 hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Nhiều hồ thủy lợi được sửa chữa, nâng cấp đập chính, đập phụ, đường quản lý, nhà quản lý, làm mới tràn xả lũ, sửa chữa cống lấy nước, lắp đặt thiết bị quan trắc…
Ông Đỗ Thanh Lâm – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam cho biết, đến nay, các hồ thủy lợi đã được hoàn thành, bàn giao đều không có bất kỳ sự cố về môi trường, đảm bảo an toàn.
Hồ thủy lợi Thái Xuân có lưu vực 18km2 đi qua địa bàn 3 xã Tam Hiệp, Tam Anh Nam và Tam Thạnh (Núi Thành), cung cấp nước tưới cho người dân các xã Tam Mỹ Tây, Tam Mỹ Đông, Tam Giang, thị trấn Núi Thành, xã Tam Hiệp, Tam Thạnh, Tam Anh Nam và cung cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Tam Hiệp, cung cấp nước công nghiệp cho Nhà máy Number One Chu Lai (xã Tam Hiệp).
Ông Châu Đức Kỳ – Cụm trưởng Cụm thủy nông Thái Xuân cho biết, đỉnh đập hồ thủy lợi Thái Xuân là 28,8m, thêm tường chắn sóng cao 29,3m; hồ tràn tự do ở mức 25,3m. Mực nước cao nhất ở hồ Thái Xuân là 26,75m vào năm 1999, thấp nhất là 12,56m ở năm 2020, hiện nay ở mức 17m.
“Hồ thủy lợi Thái Xuân đã được tiểu dự án WB8 đầu tư nâng cấp, đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn. Chúng tôi đã kiểm tra tổng thể công trình, chuẩn bị sẵn các kịch bản, phương án ứng phó thiên tai, tình huống khẩn cấp để kịp thời xử lý nếu có tình huống xảy ra” – ông Kỳ nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-nam-dam-bao-an-toan-cho-ho-thuy-loi-3141472.html