Vai trò của truyền miệng điện tử
eWOM (electronic Word of Mouth) là thuật ngữ chỉ hình thức truyền miệng điện tử – tức là việc chia sẻ thông tin, ý kiến, hoặc đánh giá về sản phẩm, dịch vụ hay trải nghiệm thông qua các kênh truyền thông kỹ thuật số. Không giống như truyền miệng truyền thống, eWOM diễn ra trên các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, diễn đàn, blog và trang web đánh giá.
Trong ngành du lịch, eWOM đóng vai trò khá quan trọng, chi phối quyết định trải nghiệm của du khách. Từ việc lựa chọn điểm đến, đặt phòng khách sạn cho đến sử dụng các dịch vụ du lịch khác, eWOM tác động khá lớn.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã làm gia tăng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của eWOM. Nó trở thành công cụ quảng bá hiệu quả và là một yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của ngành du lịch.
Ở kỷ nguyên số, thói quen và cách thức lựa chọn điểm đến du lịch của du khách đã thay đổi đáng kể. Du khách hiện nay thường bị cuốn hút bởi các nội dung trực tuyến ngắn gọn và sinh động.
Đặc biệt, từ sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, một clip ngắn chỉ dài khoảng 2 phút có thể thay đổi hoàn toàn quyết định du lịch của du khách.
Sự phát triển này cũng kéo theo sự ra đời của các ngành nghề mới. Đó là người sáng tạo nội dung trên các nền tảng kỹ thuật số như YouTube, Instagram và Tiktok.
Họ sản xuất video, bài viết, hình ảnh về nhiều chủ đề như du lịch, ẩm thực, thời trang, giáo dục, thu hút một cộng đồng người theo dõi trung thành nhờ sự sáng tạo và cá nhân hóa cao.
Nắm bắt xu hướng
Đầu năm 2023, một nhóm ca sĩ, diễn viên và người nổi tiếng Việt Nam cùng chia sẻ các nội dung về chuyến du lịch Mông Cổ của họ trên mạng xã hội Tiktok. Các video này đã thu hút hàng chục triệu lượt xem, kéo theo đó làm tăng mạnh xu hướng tìm kiếm thông tin du lịch ở quốc gia này.
Nắm bắt được sức mạnh của truyền miệng điện tử, tháng 5 vừa qua, chính phủ Mông Cổ triển khai chiến dịch quảng bá du lịch quốc gia qua Tiktok. Qua đó, Mông Cổ đã tài trợ trọn gói tour du lịch cho hàng loạt người sáng tạo nội dung từ hơn 10 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Những người tham gia sẽ được đài thọ toàn bộ chi phí di chuyển và lưu trú. Đổi lại, họ phải chia sẻ trải nghiệm du lịch Mông Cổ lên trang Tiktok cá nhân. Chương trình này được kỳ vọng là cú hích cho du lịch Mông Cổ trong nửa cuối năm 2024.
Và động thái của chính quyền Mông Cổ không phải là trường hợp hiếm hoi công nghệ được tận dụng để thu hút du lịch.
Dù chưa có báo cáo cụ thể, nhưng từ lâu, đã có thông tin về việc các quốc gia có ngành du lịch phát triển đang duy trì hoạt động seeding – tức phương pháp tiếp cận chiến lược phân tán nội dung hiệu quả hoặc thông điệp tiếp thị, với mục tiêu tạo ra hiệu ứng lan truyền.
Seeding giúp nội dung tiếp cận đến số đông người dùng internet, tạo ra sự quan tâm và thảo luận tự nhiên trong cộng đồng, từ đó tăng cường hiệu quả chiến dịch tiếp thị du lịch cho quốc gia mình.
Ví dụ gần đây, hàng loạt mạng xã hội lớn đồng loạt chia sẻ các hình ảnh, video clip về du lịch Ba Lan với thông điệp: quốc gia bình yên, an toàn với những giá trị mà châu Âu đã đánh mất… làm dấy lên nghi ngờ đây là sản phẩm của một chiến dịch quảng bá từ chính phủ Ba Lan.
Nắm bắt xu hướng, trong thời gian gần đây các cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã áp dụng phương thức quảng bá này. Cụ thể, họ xây dựng hình ảnh thú vị trên mạng xã hội cũng như đặt hàng quảng cáo từ các nhà sáng tạo nội dung.
Việc này bước đầu đem lại hiệu quả truyền thông lớn so với chi phí ban đầu. Hiệu quả tiếp cận khách hàng cũng tốt hơn các phương thức quảng cáo truyền thống. Tuy nhiên, có tình trạng nhiều nhà sáng tạo nội dung nhận tiền để quảng cáo sai sự thật.
Đặc điểm của truyền miệng điện tử là thông tin xuất phát không chỉ từ những nhà sáng tạo nội dung có ảnh hưởng mà bất cứ người dùng nào cũng có thể chia sẻ trải nghiệm và thông điệp của mình. Và đây cũng là cơ chế điều chỉnh, đào thải những doanh nghiệp hay nhà sáng tạo nội dung chia sẻ thông tin sai lệch.
Nhờ khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng và rộng rãi, truyền thông mạng xã hội và truyền miệng điện tử được đánh giá có tiềm năng lớn trong việc quảng bá du lịch Việt Nam.
Những hình ảnh, video và đánh giá chân thực từ du khách có thể tạo ấn tượng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới.
Bằng cách tận dụng các nền tảng này, ngành du lịch Việt Nam có thể tiếp cận và tương tác với đối tượng khách hàng đa dạng, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững và tăng trưởng du lịch trong kỷ nguyên số.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/quang-ba-du-lich-qua-truyen-mieng-dien-tu-3136959.html